Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bùng nổ chiêu thức lừa đảo ngân hàng trong dịp Tết
Hà Tâm - 05/02/2021 09:34
 
Các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng có dấu hiệu gia tăng vào dịp Tết. Mặc dù các ngân hàng liên tục cảnh báo, nhưng vẫn không ít người dân sập bẫy.
.
.

Tội phạm nhắm vào mua sắm trực tuyến

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chị Thùy Dung, chủ shop hoa online tại Hà Nội cho hay, mùa hoa Tết năm nay vào đúng đợt Covid-19 chủng mới bùng phát, nên lượng khách mua sỉ giảm hẳn so với những năm trước. Để tìm kiếm thêm khách hàng, chị phải lên mạng tham gia các nhóm bán buôn, bán lẻ hoa Tết và không may mắc bẫy lừa đảo.

“Ngày 31/1/2021, có một người nick Phạm Nhung nhắn tin cho tôi qua Facebook đặt 300 cành ly kép trị giá 15 triệu đồng. Người này cho biết đang công tác ở Nhật, nên sẽ nhờ chồng nhận hộ, đồng thời nhắn cho tôi tên và số điện thoại của người nhận, bảo tôi nhắn số tài khoản để chuyển khoản. Đến lúc chuyển tiền, người này nói do đang ở nước ngoài, nên sẽ chuyển tiền quốc tế qua Western Union và gửi cho tôi trang web chuyentienquoctewesternunion247asd.weebly.com để tôi điền thông tin. Sau khi làm các bước như hướng dẫn, tài khoản của tôi bị mất toàn bộ (gần 20 triệu đồng). Nick Phạm Nhung và số điện thoại liên hệ sau đó không thể liên lạc, địa chỉ giao hàng mà tôi kiểm tra cũng là địa chỉ ma”, chị Dung cho biết.

Chủ quan và cả tin, không chỉ những những người bán hàng như chị Nhung, mà cả người tiêu dùng cũng rất dễ bị lừa bởi sập bẫy các chương trình khuyến mãi trúng thưởng cuối năm. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là gửi tin nhắn SMS, Zalo, Facebook có chứa link các trang điện tử giả mạo ngân hàng, thông báo trúng thưởng kèm theo đường link yêu cầu khách hàng truy cập để lĩnh thưởng. Khách hàng làm theo hướng dẫn sẽ lập tức mất tiền.

Mới đây, một khách hàng của Sacombank nhận được tin nhắn có đầu số giả mạo Sacombank, yêu cầu truy cập đường link và nhập thông tin để lấy nhận khuyến mại. Tuy nhiên, sau khi đăng nhập theo hướng dẫn, khách hàng đã bị “khoắng” sạch tiền trong tài khoản.

Tội phạm giả mạo ngân hàng gia tăng

Giữa tháng 1/2021, một khách hàng tại TP.HCM bị mất 38 triệu đồng sau khi nhận được tin nhắn cảnh báo bảo mật từ đầu số mạo danh thương hiệu Sacombank cùng đường link http://i-sacombank.com, yêu cầu xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu.

Tình trạng trên gặp tại khá nhiều ngân hàng. Đại diện Agribank cho biết, nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết Tân Sửu khiến nhiều khách hàng của Agribank cũng trở thành nạn nhân. Gần đây, hàng loạt trang điện tử giả mạo với tên miền và giao diện giống với của Agribank như agribanks.edu.vn, Agribanks.space, Agribanking.com.vn…, với nội dung thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu khách hàng đăng nhập các thông tin cá nhân và thông tin bảo mật tài khoản. Nếu làm theo, khách hàng sẽ ngay lập tức bị trừ tiền.

Một chiêu thức nữa được báo chí cảnh báo nhiều, nhưng vẫn xảy ra, đó là giả danh cán bộ ngân hàng cho vay vốn. Cuối tháng 1/2021, chị H.M.P.E (Bến Cát, Bình Dương) bị đối tượng giả danh cán bộ Ngân hàng OCB hứa hẹn làm thủ tục cho vay. Tuy nhiên, sau khi chị H.E chuyển khoản phí bảo hiểm để hoàn tất thủ tục vay vốn, đối tượng này lập tức biến mất.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hoàng Thị Th. (Hải Phòng) cũng cho biết, bà bị đối tượng có số điện thoại 0973928xxx giả danh cán bộ tín dụng Techcombank chào mời vay 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bà chuyển khoản tiền phí, tiền bảo hiểm và tiền lãi 1 tháng (tổng cộng gần 20 triệu đồng), thì đối tượng chặn mọi liên lạc.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các chiêu thức lừa đảo liên quan đến ngân hàng đa phần đều rất cũ, được các cơ quan chức năng cảnh báo và các ngân hàng thường xuyên cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, cho thấy ý thức bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là mật khẩu, mã OTP… chưa cao.

Tuy nhiên, TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, một phần dẫn đến tình trạng lừa đảo ngân hàng gia tăng còn do hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính còn thiếu. Bên cạnh đó, việc giáo dục kiến thức tài chính cá nhân tại Việt Nam cũng còn rất thiếu.

Việt Nam cần xác lập điểm cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế số, tài chính số, tài chính toàn diện với kiểm soát rủi ro, phòng chống tội phạm an ninh mạng, an toàn - bảo mật thông tin, dữ liệu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát, ứng phó rủi ro, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử; cảnh báo kịp thời về các thủ đoạn lừa đảo, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, bền vững.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Mã độc tống tiền, email và tin nhắn lừa đảo nhắm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa
Năm 2020, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hứng chịu 43% cuộc tấn công mạng, và thiệt hại trung bình là 184.000 USD và mất đến 6 tháng để hồi phục sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư