Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
“Bùng nợ” tiêu dùng tăng, lo ngại tín dụng “đen” cuối năm
Vân Linh - 06/12/2023 08:51
 
Kính tế khó khăn tác động lên thu nhập của người dân khiến nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm, trong khi tình trạng “bùng nợ” có xu hướng tăng, kéo theo nợ xấu. Khi cho vay tiêu dùng giảm, tín dụng “đen” có xu hướng bùng phát cuối năm.

Nợ xấu tiêu dùng cao vì “bùng nợ” tăng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng.

Riêng tại TP.HCM, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt 955.000 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, số liệu của NHNN cho thấy, nợ xấu vay tiêu dùng đến cuối tháng 9/2023 của các công ty tài chính tăng 10-15%, khiến họ không dám cho vay. Ngoài chịu ảnh hưởng do kinh tế khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập, một nguyên nhân chính là nạn bùng nợ gia tăng.

Tại FE Credit, việc thu hồi nợ vay vô cùng khó khăn, thậm chí có trường hợp khách vay không những không trả nợ, mà còn hành hung nhân viên của Công ty. Theo ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của FE Credit, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ…, từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ.

Tuy nhiên, với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và việc khởi kiện gặp khó với các khoản vay nhỏ, các công ty tài chính tiêu dùng, gồm cả FE Credit, buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao. Việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho những nhân viên này.

“Tình trạng trên trở nên nghiêm trọng trong 2 năm qua. Nếu năm 2019 và 2020, chúng tôi chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023, có tới 24 vụ việc được ghi nhận”, ông Marcin Figlus nói.

Theo ông Lê Vinh Tùng, Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), gần đây, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản. “Lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… đã cố tình ‘chây ỳ’ trả nợ”, ông Tùng nói.

Tín dụng “đen” bùng phát cuối năm

Ông Lê Vinh Tùng thông tin, trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…

Đáng chú ý, cơ quan công an phát hiện, các đối tượng người nước ngoài đã đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay với lãi suất trên 1.000%/năm.

Ông Tùng kiến nghị, NHNN tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen như vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư… Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Điều 201, Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, theo TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), cần xây dựng khung khổ pháp lý để nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp chặt chẽ để bên đi vay không thể chây ỳ trả nợ. Cụ thể, có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Ngân hàng cần đa dạng loại hình cho vay để chặn "tín dụng đen"
UBND TP.HCM giao ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tham mưu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng để ngăn chặn "tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư