Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bước đi chưa có tiền lệ của Trung Quốc: Bán dầu từ kho dự trữ chiến lược
T.T - 11/09/2021 12:38
 
Trong một bước đi chưa có tiền lệ, Trung Quốc đã bán dầu từ kho dự trữ với mục đích hạ giá dầu trên thị trường.
Một kho xăng dầu đặt tại cảng Dương Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một kho xăng dầu đặt tại cảng Dương Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Quyết định được thực hiện trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tại nước này tăng cao thời gian gần đây, không chỉ là giá dầu mỏ, mà còn cả than đá và khí đốt. Cùng lúc, thiếu hụt điện năng tại một số tỉnh cũng đã khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất.

Trong thông báo mới phát đi, Tổng cục Dự trữ hàng chiến lược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc (NFSRA) cho biết nước này đã bán dầu từ kho dự trữ chiến lược để giảm áp lực lên giá nguyên liệu thô. NFSRA không đưa thông tin chi tiết, nhưng nguồn thạo tin cho biết thông báo này có liên quan đến việc bán ra hàng triệu thùng dầu mà chính Trung Quốc từng đề cập hồi giữa tháng 7.

Cơ quan quản lý dự trữ của Trung Quốc cũng cho hay việc "bình thường hóa" luân chuyển dầu thô dự trữ của Nhà nước là một biện pháp quan trọng nhằm bình ổn thị trường, một động thái cho thấy họ có thể tiếp tục sẽ xuất thêm dầu dự trữ nữa ra thị trường. Theo NFSRA, việc đưa dầu dự trữ quốc gia ra thị trường thông qua đấu thầu rộng rãi "sẽ giúp cho cung - cầu trên thị trường trong nước ổn định hơn".

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước này đã xây dựng được những kho dự trữ hàng hóa khổng lồ trong một thập kỷ qua. Những kho dự trữ năng lượng chiến lược của Trung Quốc, được gọi là SPR, có mục đích khác so với các kho dự trữ ở Mỹ và châu Âu. Dự trữ dầu mỏ của Mỹ, châu Âu chỉ được sử dụng trong thời gian nguồn cung cấp bị ngừng lại hoặc trong chiến tranh. Còn Trung Quốc đang đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng sử dụng hàng dự trữ của mình với mục đích tác động đến thị trường.

"Đó là một tuyên bố khá rõ ràng về ý định sử dụng SPR để giảm giá dầu cho các nhà máy lọc dầu trong nước", Bob McNally, cựu cố vấn chính sách cấp cao của Nhà Trắng và là người hiện đang điều hành Rapidan Energy Group, một công ty tư vấn ở Washington, bình luận về can thiệp mới nhất của Trung Quốc.

Tuyên bố về việc can thiệp vào thị trường dầu được đưa ra sau khi lạm phát tại cửa nhà máy (FGI) của Trung Quốc tăng nhanh lên mức cao nhất trong vòng 13 năm và chỉ một tháng sau khi Nhà Trắng công khai đề nghị Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu thô ra thị trường trong bối cảnh giá xăng ở Mỹ tăng manh. Việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng hành động trong một thời điểm với mục đích giống nhau cho thấy hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này đều coi ngưỡng 70 - 75 USD/thùng là giới hạn đỏ đối với giá dầu.

Trung Quốc cũng đã bán các mặt hàng khác từ nguồn dự trữ chiến lược của mình, bao gồm đồng, nhôm và ngũ cốc nhằm hạ nhiệt giá nguyên liệu đang tăng nóng. Trong quá khứ, Bắc Kinh hiếm khi xác nhận những động thái tương tự, mà thông tin chỉ rò rỉ ra thị trường qua giới thương nhân. Việc Bắc Kinh công khai các kế hoạch bán nguyên liệu dự trữ hiện nay được cho là nỗ lực nhằm tối đa hóa tác động của động thái này.

Nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, nhưng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc vẫn tăng nhanh do các nhà máy lọc dầu đang tăng tốc độ vận hành để đáp ứng nhu cầu dầu nhiên liệu tăng cao. Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã tăng nhập khẩu dầu thô thêm 8% trong tháng 8/2021 so với tháng 7/2021, lên 44,53 triệu tấn, tương đương 10,49 triệu thùng/ngày, tăng so với 9,71 triệu thùng/ngày nhập khẩu trong tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn mức 11,18 triệu thùng/ngày nhập khẩu vào tháng 8/2020.

Trung Quốc: Tạm ngừng giao dịch trái phiếu của "ông lớn" bất động sản China Evergrande Group
Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc phải tạm ngừng giao dịch trái phiếu của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là China...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư