Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Cả nước có 152 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Thế Hải - 29/04/2025 10:15
 
Theo công bố mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến 28/4/2025, cả nước hiện có 152 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo công bố mới nhất, cả nước hiện có 152 thương nhân xuất khẩu gạo.
Theo công bố mới nhất, cả nước hiện có 152 thương nhân xuất khẩu gạo.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo danh sách này, cả nước có 152 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp, Long An có 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.

Một số địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo là Bạc Liêu, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế.

So với danh sách do Cục Xuất nhập khẩu công bố hồi đầu năm, số lượng thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi 6 thương nhân, còn so với con số khoảng 210 thương nhân của quý III/2023, danh sách này đã có sự biến động đáng kể.

Số liệu thống kê của Cục Hải quan cho thấy, quý I/2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,31 triệu tấn, mang về 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo xuất khẩu trung bình quý đầu năm 522 USD/tấn, giảm 20,18%.

Kết thúc năm 2024, ngành gạo xác lập kỷ lục xuất khẩu mới cả về sản lượng và kim ngạch, lần đầu tiên xuất khẩu vượt 9 triệu tấn, mang về gần 5,8 tỷ USD, củng cố vị thế quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới của Việt Nam.

Với khả năng cung ứng trên 9 triệu tấn gạo mỗi năm, chủng loại gạo phong phú; các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao gia tăng, Việt Nam tiếp tục là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gạo.

Tuy nhiên, bối cảnh nguồn cung gạo xuất khẩu năm 2025 có những điểm khác năm 2024, do Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất đã cho phép xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian dài hạn chế, cộng với sản lượng gạo trên thế giới dồi dào đã tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Tuy nhiên, nếu tăng tỷ trọng gạo thơm ST24, ST25 và gạo chất lượng cao, giá trị xuất khẩu vẫn có thể tăng. 

Những năm qua, ngành sản xuất lúa gạo trong nước tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ…

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư