Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel làm rõ nguyên nhân cá chết tại miền Trung
Linh Vân (enternews) - 04/05/2016 08:15
 
Mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã có buổi tiếp và làm việc với các nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, Israel và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải dương học để cùng Bộ tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam để cùng Bộ Tài nguyên Môi trường tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung
Các chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam để cùng Bộ Tài nguyên Môi trường tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại diện Tổng cục Môi trường đã thông báo ngắn gọn tình hình sự cố hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Sau khi nghe thông tin và nắm bắt tình hình thực tiễn đã diễn ra trong những ngày qua, các chuyên gia quốc tế đều khẳng định sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc điều tra, xác định nguyên nhân của việc có hay không sự cố ô nhiễm môi trường dẫn đến hiện tượng hải sản chết bất thường hàng loạt này. Các chuyên gia cũng mong muốn Việt Nam tập trung vào những thông tin của hệ thống cảnh báo trước, trong và sau hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.

 Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, GS Roberto Mayerle – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Đại học Kiel – CHLB Đức đề xuất: “Sau khi làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu được các Bộ, ngành của Việt Nam đồng ý, chúng tôi sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị để giúp Việt Nam điều tra nguyên nhân sự cố vừa qua”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học đưa ra. Bộ trưởng cho rằng những kinh nghiệm của các nhà khoa học trong việc quản lý dự án quốc gia và quốc tế đối với các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ bờ biển, quản lý cảng biển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, khoa học địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững… sẽ là những bổ sung quý báu cho Bộ Tài nguyên Môi trường nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc xác định nguyên nhân sự cố.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ chủ trì công tác nghiên cứu khoa học tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt vừa qua. “Tôi mong các nhà khoa học quốc tế tích cực hợp tác, hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc điều tra, xác định nguyên nhân sự cố hải sản chết bất thường này cũng như lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường biển Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, Bộ Tài nguyên Môi trường mong muốn và tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển vịnh Vũng Áng; tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này. “Chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học rà soát lại toàn bộ hệ thống quan trắc bờ biển để xác định các công việc cần thiết trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm ứng phó nhanh với các sự cố môi trường biển có thể xảy ra, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trước đó, vào đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy gần bờ.

Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm hoạ. Tuy nhiên, nhận định này vấp phải một số ý kiến không đồng tình.

Trong khi nguyên nhân chưa sáng tỏ, ngư dân đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hải sản rớt giá, không ai thu mua, một số khu lịch vắng khách. Để tháo gỡ cho người dân, nhiều tỉnh đã thực hiện các biện pháp khẩn, cấp chứng nhận kiểm định cá an toàn, tổ chức thu mua cá đánh bắt xa bờ cho người dân. Nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương thậm chí xuống biển tắm, ăn hải sản để xoá bỏ tin đồn tiêu cực.

Mới đây nhất, chiều 30/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát thông báo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc cần tiếp tục quyết liệt hơn trong xác định nguyên nhân do hoạt động kinh tế phát thải trực tiếp ra môi trường biển, trong đó tập trung vào khu vực có Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Thông báo yêu cầu lập trạm quan trắc chất lượng nước thải, lập đoàn đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của tổ chức khoa học trong nước và ngoài nước, đánh giá độc lập với các doanh nghiệp có nguồn thải ra môi trường biển, kiểm toán một cách khoa học tất cả các nguồn chất thải.

Đoàn kiểm tra bắt đầu hoạt động từ ngày 5/5 và duy trì đến khi kết thúc công tác kiểm tra này.

 

Phát gạo hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết bất thường
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư