Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các cơ sở giáo dục phải công khai các khoản thu, chi đầu năm học mới
D.Ngân - 30/08/2022 09:41
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện đúng các quy định về các khoản thu, chi đầu năm học.

Trong năm học mới 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức quán triệt và thực hiện nhiệm vụ năm học với chủ đề đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện đúng các quy định về các khoản thu, chi đầu năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố thực hiện bổ sung biên chế cho các giáo viên, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định.

Bộ cũng yêu cầu rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, nâng cấp trường, lớp học và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu, đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông

Ngoài ra, cần phải đảm bảo cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiết sách giáo khoa đầu năm học.

Về việc tổ chức lễ Khai giảng năm học mới, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức lễ Khai giảng năm học 2022-2023 thống nhất trên cả nước vào ngày 5/9/2022.

Trong năm học mới, các cơ sở giáo dục ổn định và duy nền nếp học tập, tổ chức các hoạt động phù hợp với học sinh và điều kiện của nhà trường; 

Chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoảng thu, chi đầu năm học; 

Đồng thời Bộ này yêu cầu các cơ sở chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hoạt động dạy thêm học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

Được biết, mỗi dịp đầu năm học mới, học sinh sẽ có các khoản phải chi như sách giáo khoa, đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu); sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, vẽ, tiền điều hòa, nước uống, vệ sinh, chăm sóc bán trú, bảo hiểm...

Nhiều trong số đó là các khoản thu chính đáng song cũng có rất nhiều khoản "trời ơi" gây nhiều bức xúc cho phụ huynh. Một số phụ huynh phàn nàn về việc sau khi con nhập học lớp 6 một trường THCS tại Hà Nội đã phải đóng tiền mua cả ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ.

Hay vừa qua trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm của nhiều lớp tại một huyện của tỉnh Hà Tĩnh nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, ba chiếc bảng, những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh.

Theo đó, mỗi em lớp một phải đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa, tổng gần 1 triệu đồng.

Khi triển khai vận động đóng góp, có giáo viên chủ nhiệm đã truyền đạt theo tinh thần áp đặt, gần như bắt buộc đóng nộp nên gây bức xúc cho phụ huynh.

Một số phụ huynh bức xúc cho rằng, con em học trường công, đáng ra những cơ sở vật chất thiết yếu như bàn ghế, bảng phải có trước, không thể áp đặt bắt học sinh phải đóng góp để mua sắm.

Mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, thay vào đó, các em chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, khuyến khích tiết kiệm.

Ông Cương cũng chỉ đạo đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc để cha mẹ chủ động mua sắm.

Tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, cũng yêu cầu các trường thực hiện thu đúng, thu đủ, chi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

“Không được sử dụng kinh phí hoạt động của Hội phụ huynh để chi cho bảo vệ, vệ sinh, mua sắm máy móc, đồ dùng dạy học. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định”, bà Hương nói.

Trước đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Ngọc Châu yêu cầu các trường trong tỉnh tuyệt đối không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới đầu năm học. 

Địa phương này quy định đồng phục đơn giản là áo trắng, quần xanh đen và đen, nghiêm cấm các trường in phù hiệu, họa tiết, viền, nơ… khiến phụ huynh khó tìm mua hoặc may. 

Để tiết kiệm, sở hướng dẫn các nhà trường thông báo về mẫu mã, quy cách đồng phục để phụ huynh tự mua hoặc đặt may cho con em của mình.

Nói về vấn nạn lạm thu mỗi dịp năm học mới GS.TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Ngay đầu năm học này, có nơi, có trường còn yêu cầu học sinh phải đóng tiền bàn ghế mới được học.

Trong khi đó, theo quy định, Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên cho hệ thống trường công lập để dạy học.

GS. Phạm Tất Dong cho rằng phụ huynh đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có sách giáo khoa giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hoà, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… 

“Cộng tất cả khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh. Với mức lương của cán bộ, công nhân viên chức hiện nay chỉ 5-6 triệu đồng sẽ rất khó gánh các mức chi cho giáo dục”, GS. Dong nói.

Bộ Giáo dục chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2020-2021
Bộ GD&ĐT cho biết qua công tác thanh tra kiểm tra thực tế, vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa quyết liệt thực hiện theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư