Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Các đối tác phát triển “hiến kế” khai phá tiềm năng Vùng Tây Nguyên
Nguyên Đức - 20/11/2022 10:39
 
Các đối tác phát triển của Việt Nam cam kết hỗ trợ Việt Nam trong khai phá tiềm năng Vùng Tây Nguyên, đưa vùng đất này phát triển xanh, nhanh và bền vững hơn.

Hàng loạt cam kết đã được các đối tác phát triển của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển Vùng Tây Nguyên”, các khẳng định đã được đưa như vậy.

Và đáng quý hơn, sự hỗ trợ này không hẳn chỉ bằng tài chính, mà còn bằng các khuyến nghị chính sách. Các đối tác phát triển đã “hiến kế” để Vùng Tây Nguyên có thể phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Bà Naomi Kitahara phát biểu tại Hội nghị

“Vùng Tây Nguyên từ lâu đã là một khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế và chính trị”, bà Naomi Kitahara, Quyền điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc (UNDP) và Trưởng đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nói và đưa ra một loạt dẫn chứng cho nhận định này của mình.

Đó là Tây Nguyên là khu vực có tầm quan trọng toàn cầu về các mặt hàng nông sản, như cà phê, hạt tiêu, điều, trái cây, chè...

“Sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông chiếm 40% sản lượng cà phê cả nước”, bà Naomi Kitahara nói.

Có nhiều tiềm năng, nhưng Tây Nguyên cũng là vùng trọng điểm của Việt Nam dễ bị tổn thương nhất bởi rủi ro khí hậu. Bởi thế, đại diện của UNDP cho rằng, vùng này cần chuyển đổi sang sản xuất thông minh, gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Tây Nguyên.

“Cần tăng cường tập trung vào các hành động nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp sang thích ứng và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên (NbS) và chuỗi giá trị hàng hóa không mất rừng ở quy mô lớn”, bà Naomi Kitahara nói.

Theo bà Naomi Kitahara, Vùng Tây Nguyên cần duy trì và nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa nông nghiệp thông qua cải tiến phương thức canh tác, tổ chức tốt hơn các nhà sản xuất và chuỗi cung ứng.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược đối với kinh tế Việt Nam của Vùng Tây Nguyên, bởi đây là khu vực có gần 2 triệu hec-ta đất đỏ ba-zan màu mỡ, có lượng bô-xít khoảng 8 tỷ tấn, đồng thời có tiềm năng phát triển du lịch, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, lại nhấn mạnh đến vai trò của hạ tầng kết nối.

“Một trong những yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên là hình thành hạ tầng kết nối khu vực với các vùng miền khác của Việt Nam, nhất là giữa khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải”, ông Andrew Jeffries nói.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của Vùng Tây Nguyên

Các tuyến đường kết nối quan trọng được ông Andrew Jeffries nêu ví dụ, đó là đường quốc lộ số 26 và 29 kết nối tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên với tỉnh Đắk Lắk. Đây là tuyến đường có vai trò trọng yếu để tạo thuận lợi lưu chuyển hàng hóa và hành khách giữa Tây Nguyên và khu vực duyên hải.

Hay là Quốc lộ 10 kết nối cửa khẩu Lệ Thanh của tỉnh Gia Lai thuộc khu vực Tây Nguyên với tỉnh Bình Định vùng duyên hải.

Một thông tin quan trọng được ông Andrew Jeffries chia sẻ, đó là ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên trong giai đoạn 2023 - 2026.

“Những dự án này không chỉ tăng cường năng lực kết nối liên vùng, mà còn hỗ trợ Tây Nguyên xử lý tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và phát triển đô thị. Xét tầm quan trọng của năng lực kết nối liên vùng, ADB cũng sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối liên vùng”, ông Andrew Jeffries nói.

Dự kiến, tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ký biên bản ghi nhớ (MOU) và biên bản hợp tác (MOC) với các đối tác phát triển quan tâm tài trợ cho các dự án phát triển Vùng Tây Nguyên, với tổng quy mô vốn 288 triệu USD.

Không chỉ ADB, mà còn có Phần Lan, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tham gia hỗ trợ Vùng Tây Nguyên phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư