Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các dự án nạo vét luồng hàng hải phía Bắc: Mảnh đất màu mỡ cho thất thoát
Bảo Như - 31/03/2017 14:05
 
Hàng loạt kẽ hở liên quan đến cơ chế quản lý, giám sát các dự án duy tu, nạo vét luồng tuyến hàng hải của Cục Hàng hải Việt Nam nếu không sớm được bịt sẽ khiến lĩnh vực này trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, thất thoát.

Lỗ hổng “trên bờ”

Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất Kết luận thanh tra công tác nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải, do Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc (VMSN) quản lý và thực hiện trong các năm: 2014, 2015 và 2016.

Có tổng cộng 21 công trình nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải từ Quảng Ngãi trở ra, giá trị khoảng 810 tỷ đồng, do VMSN thực hiện rơi vào tầm ngắm của Thanh tra Bộ GTVT. Trong đó, có 8 công trình được triển khai năm 2014, 5 công trình năm 2015 và 8 công trình năm 2016.

.
.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ GTVT, khuyết tật trong vận hành các công trình đặc thù này xuất hiện ngay từ cơ chế phân giao nhiệm vụ giữa các chủ thể tham gia quản lý. Cụ thể, tại các dự án nạo vét luồng, với chức năng là cơ quan giao kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm, Bộ GTVT đang giữ vai trò như người ra quyết định đầu tư; cơ quan quản lý nhà nước về luồng - Cục Hàng hải Việt Nam giữ vai trò như chủ đầu tư; đại diện cơ quan quản lý luồng là VMSN đóng vai trò như đại diện chủ đầu tư.

Như vậy, việc VMSN – một doanh nghiệp lại đảm nhiệm vai trò song trùng cả chức năng đại diện chủ đầu tư và cơ quan quản lý luồng là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. 

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, công tác tổ chức quản lý, thực hiện các dự án nạo vét hàng hải do VMSN triển khai tồn tại nhiều “hạt sạn” lớn. Cụ thể, dù nạo vét duy tu một luồng, nhưng hàng năm VMSN vẫn triển khai các thủ tục lặp lại như: lập kế hoạch, thiết kế bản vẽ thi công, xin vị trí đổ thải, tổ chức khảo sát lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu… Điều này làm mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục và phát sinh nhiều chi phí không cần thiết (chi phí đo đạc khảo sát, đấu thầu...).

Oái oăm ở chỗ, sau khi hoàn tất các thủ tục để nhà thầu có thể tổ chức thi công thì thường đã bước sáng tháng 7, thậm chí tháng 9 - thời điểm mùa bão lũ bắt đầu, rất khó khăn trong việc thi công do sóng to, gió lớn, khối lượng sa bồi tăng.

“Đây là một trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ, thi công không hiệu quả, tăng kinh phí và gặp nhiều rủi ro trong quá trình thi công nạo vét”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Kẽ hở dưới mặt nước

Theo Thanh tra Bộ GTVT, hầu hết hồ sơ mời thầu của các gói thầu nạo vét duy tu luồng hàng hải do VMSN thực hiện có dự trù khối lượng nạo vét sai khác rất nhiều so với khối lượng thực tế bàn giao mặt bằng.

Vì vậy, hồ sơ dự thầu của nhà thầu đưa ra biện pháp tổ chức thi công sai khác nhiều so với thực tế, dẫn đến khi ký hợp đồng kinh phí thay đổi lớn (khối lượng tăng từ 25% đến 160%). Đây là điều rất khó hiểu đối với VMSN – một cơ quan lẽ ra phải thuộc địa chất, thủy văn luồng tuyến như lòng bàn tay.

Thanh tra Bộ GTVT cũng ghi nhận hiện tượng các gói thầu nạo vét do đơn vị này tiến hành đều có tình trạng thực hiện giống nhau, khi có khá đông ứng thầu mua HSMT, nhưng chỉ có 1 hoặc 2 nhà thầu dự thầu. Một số trường hợp tuy có 2 nhà thầu dự thầu, nhưng trong quá trình chấm thầu, 1 nhà thầu bị đánh trượt vì không đáp ứng các điều kiện tiên quyết của hồ sơ mời thầu. Nhà thầu còn lại “một mình, một ngựa” thong dong thả giá, tiến độ thi công.

Đối với các hành vi sai sót trong điều chỉnh giá, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT, số tiền là 4.274.432.819 đồng, trong đó: Công ty Hùng Dũng thi công luồng Đà Nẵng năm 2015 nộp lại 278 triệu đồng; Công ty TNHH Phúc Nam thi công luồng Nghi Sơn năm 2015 nộp lại 3,99 tỷ đồng.

Trong quá trình nạo vét, do các hệ thống thiết bị giám sát nạo vét trên các phương tiện thi công do nhà thầu tự trang bị nên không đồng bộ, không cùng chủng loại, dẫn đến một số hệ thống tính ổn định không cao, kết nối dữ liệu giữa các hệ thống khác nhau khiến các giám sát của chủ đầu tư như bị “bịt mắt”. Đây là kẽ hở lớn, tạo điều kiện cho nhà thầu ăn gian khối lượng cũng như xả thải không đúng quy định về môi trường.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ GTVT, trong khi hợp đồng nạo vét được thực hiện theo đơn giá cố định, không được thay đổi trong suốt thời gian thực hiện, nhưng tại một số hợp đồng theo đơn giá cố định ký kết, thực hiện năm 2015, VMSN đã phóng tay điều chỉnh tăng đơn giá cho nhà thầu đối với phần khối lượng nạo vét phát sinh. Cụ thể, Công ty cổ phần Thương mại nạo vét và Xây dựng Hùng Dũng thi công luồng Đà Nẵng năm 2015 được điều chỉnh đơn giá thêm 278 triệu đồng; Công ty TNHH Phúc Nam thi công luồng Nghi Sơn năm 2015 được điều chỉnh đơn giá thêm 3,99 tỷ đồng.

Đối với sai sót tại các dự án nạo vét, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, VMSN, nhà thầu thi công theo trách nhiệm phải kiểm điểm, rà soát để khắc phục những tồn tại nêu trong Kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, để bịt kẽ hở trong hoạt động nạo vét, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu cho Bộ xác định rõ vai trò quản lý của chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư đối với hoạt động nạo vét (bao gồm cả miền Bắc, miền Nam) tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông dừng cấp phép nạo vét luồng sông
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông dừng việc cấp phép các dự án nạo vét luồng sông, giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư