Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các dự án nguồn điện lớn gặp khó, nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Thanh Hương - 27/04/2022 08:12
 
Giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự kiến đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240 MW. Tuy nhiên, tiến độ các công trình này đang chậm, sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp điện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vướng mắc ở nhiều dự án

Để thực hiện kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với con số thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Điều đáng nói là, công tác đầu tư các dự án điện không triển khai nhanh chóng được như mong đợi. Một số dự án gặp vướng mắc và phải chờ giải quyết trong thời gian dài.

Đơn cử, Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (quy mô 2 x 240 MW, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024) được khởi công tháng 1/2021 và đã triển khai thi công các hạng mục chính, như: đào hố móng nhà máy, hầm phụ, hầm dẫn nước, hố móng cửa nhận nước, đê quây thượng lưu...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN và các đơn vị đã đưa vào vận hành 11 dự án nguồn điện mới có công suất 5.908 MW; đã hoàn thành, đưa vào vận hành 1.113 dự án lưới điện 110 - 500 kV (gồm 45 dự án 500 kV, 166 dự án 220 kV và 902 dự án 110 kV) với quy mô thực hiện lưới điện 500 - 220 kV là 5.345 km đường dây và 55.060 MVA trạm biến áp; quy mô thực hiện lưới điện 110 kV là 6.396 km đường dây và 30.805 MVA trạm biến áp. Giá trị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 của toàn Tập đoàn đạt 540.573 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối tháng 10/2021 xảy ra sạt trượt khu vực hố móng nhà máy, nên Dự án phải tạm dừng thi công. EVN đã chỉ đạo đôn đốc các nhà thầu thi công xử lý sạt trượt và đã rà soát đánh giá tổng thể về an toàn trong thiết kế, thi công Dự án, nhưng vẫn chưa có ý kiến cuối cùng của cơ quan hữu trách để tiếp tục thi công trở lại.

Các dự án điện khí tại Ô Môn và Dung Quất do EVN đầu tư cũng đang gặp khó khăn. Những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền quyết định, tính đồng bộ dự án nguồn điện và dự án cấp nhiên liệu (chuỗi dự án) tại các dự án Nhiệt điện Ô Môn III, IV hay Dung Quất I, III đang khiến tiến độ phát điện dự kiến chậm 5 - 6 năm so với mốc thời gian đặt ra tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Với các dự án lưới điện, để đáp ứng nhu cầu phụ tải cũng như giải tỏa công suất của các nguồn điện, cần bổ sung quy hoạch hàng loạt công trình lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, đến nay, Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt, các dự án truyền tải mà EVN đã trình bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh hơn 2 năm nay cũng chưa được chấp thuận, nên chưa có căn cứ để triển khai đầu tư.

Không dễ thu xếp vốn

Bên cạnh những khó khăn do biến động giá nguyên vật liệu, kim loại theo hướng tăng cao làm tăng chi phí đầu tư các dự án, đồng thời dẫn đến công tác đấu thầu các dự án phải thực hiện nhiều lần (do vượt giá gói thầu), thậm chí, một số gói thầu không có nhà thầu tham dự, thì khó khăn về vốn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai các dự án nguồn điện.

Cụ thể, các dự án nguồn điện của EVN có giá trị vốn vay lớn, nên phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt phương án huy động vốn. Mặc dù đã tham gia thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, nhưng trong quá trình thẩm định đề án vay vốn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục yêu cầu tính toán lại các thông tin chi tiết liên quan đến các dự án, bao gồm giá điện, dòng tiền, hiệu quả kinh tế, tài chính của các dự án…

Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến phê duyệt hợp đồng thế chấp tài sản (đối với các hợp đồng mà giá trị dự kiến của tài sản thế chấp vượt quá mức dự án nhóm B theo Luật Đầu tư công, các dự án công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia) làm kéo dài thời gian thu xếp vốn cho các dự án.

Cũng bởi quy mô vốn lớn, nên phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước có khả năng cho vay đều đã vượt giới hạn tín dụng đối với EVN và các đơn vị thành viên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Để cấp tín dụng vượt giới hạn, các ngân hàng phải hoàn tất thủ tục theo quy định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quy trình này thường kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu xếp vốn của các dự án điện.

Đối với vay vốn ODA/ưu đãi nước ngoài, theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, các dự án phải áp dụng cơ chế cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Do đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay lại đối với EVN sẽ gặp vướng mắc liên quan đến giới hạn tín dụng như nói trên.

Trường hợp các dự án điện muốn vay vốn có bảo lãnh Chính phủ, việc thực hiện cũng không dễ dàng, khi Luật Quản lý nợ công quy định đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ là dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.

Do vậy, để được cấp bảo lãnh Chính phủ, các dự án của EVN phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Đối với việc vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ, dù các quy định pháp lý hiện hành cho phép các doanh nghiệp được vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả với điều kiện khoản vay nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm, tuy nhiên, EVN chỉ được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài không vượt quá mức dự án nhóm B (quy định tại khoản 11, Điều 6, Quy chế Quản lý tài chính của EVN, ban hành kèm theo Nghị định số 10/2017/NĐ-CP).

Trong khi đó, tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án nguồn điện của EVN đều vượt mức dự án nhóm B, nên EVN gặp rất nhiều khó khăn khi thu xếp vốn vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả cho các dự án này.

Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện quốc gia đến năm 2030 khoảng 146.000 MW
Dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư