Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Các nhà máy phân bón Vinachem đã giảm lỗ
Thanh Hương - 15/05/2018 14:15
 
Quý I/2018, các nhà máy phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục giảm lỗ so với kế hoạch và đang có chiều hướng gia tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Giảm lỗ đáng kể 

Tại Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình), cùng với việc các nhà phân phối cho vay vốn, nhà cung cấp cho nợ trả dần tiền hàng, việc chuẩn bị nguyên phụ liệu cho việc vận hành trở lại nhà máy có nhiều thuận lợi. Sau khi khởi động lại thành công từ ngày 22/1/2018, tới ngày 29/1/2018, nhà máy đã có sản phẩm urea và duy trì ổn định sản xuất với công suất bình quân 75%. 

Bám sát phương án sản xuất - kinh doanh đã được báo cáo Vinachem và Ban Chỉ đạo Chính phủ cùng yếu tố đúng mùa vụ tiêu thụ đã giúp lượng tồn kho của Đạm Ninh Bình không có, giá bán sản phẩm tăng. Trong quý I/2018, Đạm Ninh Bình đã giảm lỗ so với quý I/2017 là 8 tỷ đồng. 

Trong quý I/2018, Đạm Ninh Bình đã giảm lỗ so với quý I/2017 là 8 tỷ đồng. Ảnh: T.H
Trong quý I/2018, Đạm Ninh Bình đã giảm lỗ so với quý I/2017 là 8 tỷ đồng. Ảnh: T.H

Tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hóa chất Hà Bắc), tình hình cũng rất khả quan. Lên kế hoạch lỗ tới 162 tỷ đồng trong quý I/2018, nhưng thực tế Công ty chỉ lỗ 86,25 tỷ đồng. Đó là nhờ Công ty đã xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu khoa học hơn, giúp tiết kiệm được 17,7 tỷ đồng chi phí. Cùng với đó, giá bán sản phẩm tăng (chủ yếu giá NH3 tăng 820 đồng /kg), giúp giảm lỗ 19,1 tỷ đồng; giá than giảm làm giảm lỗ 20,5 tỷ đồng; phụ tải bình quân của dây chuyền cao (tính theo số ngày chạy máy) đạt 91,96%.

Tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem, do tác động của việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP/MAP nhập khẩu, nên tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước trong đầu năm có nhiều thuận lợi, tăng 19,51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (ngày 2/3/2018) với mức thuế tự vệ giảm từ 1,855 triệu đồng/tấn xuống còn 1,128 triệu đồng/tấn, giá DAP trong nước có chiều hướng giảm, thị trường tiêu thụ trong nước có dấu hiệu chững lại.

Dù sản lượng DAP trong quý I/2018 đạt 98,05% so với cùng kỳ do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu NH3, khiến sản xuất gián đoạn mất 10 ngày, nhưng lợi nhuận quý I/2018 của Công ty cổ phần DAP - Vinachem vẫn tăng so với quý I/2017 là 53,501 tỷ đồng. 

Tại Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, sự cố về nguồn cung NH3 cũng khiến Công ty chỉ chạy máy được 12 ngày trong tháng 2/2018. Nhưng với lượng DAP sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh, đồng thời giá bán được cải thiện, tồn kho giảm mạnh so với quý I/2017, nên Công ty chỉ còn lỗ 71,1 tỷ đồng so với số lỗ 257 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. 

Siết chi phí

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Vinachem cho hay, để giảm lỗ và nâng cao hiệu quả hoạt động tại 4 dự án hóa chất thuộc diện thua lỗ, việc tiến hành đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí theo phương án đã được xây dựng và phê duyệt đã được các công ty triển khai, ngoại trừ Đạm Ninh chưa thực hiện được phương án đăng ký bởi một số thiết bị vẫn chưa khắc phục được triệt để các lỗi. 

Tại Hóa chất Hà Bắc, định mức tiêu hao than cám 4a.1 giảm 1,447% so với kế hoạch tương ứng 4,585 tỷ đồng, các định mức tiêu hao chính đều bằng và thấp hơn định mức kế hoạch. Điều này khiến việc thực hiện định mức tiêu hao quý I/2018 tiết kiệm được 11,65 tỷ đồng, trên tổng tiết giảm chi phí sản xuất cả quý I/2018 là 12,18 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, ông Phùng Ngọc Bộ, Tổng giám đốc cho hay, Công ty đã ban hành kế hoạch định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu năm 2018 cho tất cả các công đoạn sản xuất, nhằm khống chế và giảm tiêu hao so với thực hiện của các năm trước, đồng thời giám sát chặt chẽ chất lượng nguyên, nhiên liệu đầu vào bằng việc rà soát ban hành bổ sung các quy định để thực hiện. Đối với khâu vận hành, Công ty áp dụng phương thức phát huy tối đa lợi thế của các công đoạn phù hợp với kế hoạch sản xuất để tiết giảm chi phí sản xuất chung.

“Sau hơn 2 năm vận hành sản xuất, người lao động đã cơ bản làm chủ được công nghệ, thiết bị, đảm bảo tự chủ trong vận hành dây chuyền theo quy trình được ban hành. Công ty cũng triển khai tự nghiên cứu ổn định chất lượng axit phosphoric, DAP, bằng chính kinh nghiệm vận hành sản xuất để ổn định chất lượng sản phẩm trong điều kiện chất lượng quặng apatit ngày càng tăng tạp chất”, ông Bộ cho hay. 

Cũng như nhiều doanh nghiệp ngành phân bón, Công ty kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét đưa “phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0 đến 5%, thay cho quy định đang có hiệu lực là “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra” như hiện nay.

DAP - Vinachem báo lãi 6,6 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2018
DAP - Vinachem, một trong những dự án thua lỗ thuộc Bộ Công Thương đã hồ hởi báo lãi 6,6 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2018. Với tín hiệu này, lãnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư