Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các nhà sản xuất chip thêm đau đầu với khí hiếm
Đông Phong - 19/06/2022 17:07
 
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu chưa thể trở lại chuỗi ngày bình yên khi gặp thêm rắc rối với khí hiếm, sau quãng thời gian dài vật lộn với thiếu hụt chất bán dẫn.
Dù gặp khó khăn về nguồn cung, doanh số chip bán dẫn toàn cầu vẫn tăng vọt 26% và đạt mức 553 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh: AFP
Dù gặp khó khăn về nguồn cung, doanh số chip bán dẫn toàn cầu vẫn tăng vọt 26% và đạt mức 553 tỷ USD trong năm 2021. Ảnh: AFP

Các nhà sản xuất chip đã sẵn sàng tâm thế

Sau gần hai năm tắc nghẽn nguồn cung chất bán dẫn vì đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất chip đang phải đối mặt với một vấn đề đau đầu mới từ việc Nga - một trong những nhà cung cấp khí cho sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới - đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu.

Moscow đã bắt đầu áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu các khí hiếm (khí trơ), bao gồm neon, argon và heli sang các nước "không thân thiện" vào cuối tháng 5, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Cả ba loại khí trên đều được sử dụng để sản xuất các chip điện tử nhỏ có trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng, từ điện thoại thông minh đến máy giặt, phụ kiện ô tô, và những mặt hàng này đã bị thiếu hụt nghiêm trọng trong nhiều tháng qua.

Hạn chế xuất khẩu khí hiếm là một trong những biện pháp "cứu cánh" mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin để ứng phó các quốc gia đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow sau khi Điện Kremlin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022.

Trước chiến sự, Nga và Ukraine đóng góp khoảng 30% nguồn cung khí neon cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, theo tính toán của Công ty tư vấn quản trị Bain & Company (Mỹ).

Các lệnh giới hạn xuất khẩu khí của Nga được đưa ra ngay sau khi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bắt đầu thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nguồn cung vì đại dịch.

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường ô tô LMC Automotive (Vương quốc Anh), tổng sản lượng của các hãng ô tô đã giảm hơn 10 triệu chiếc do thiếu chip bán dẫn, nhưng nguồn cung được kỳ vọng cải thiện trong nửa cuối năm nay.

Ông Justin Cox, Giám đốc nghiên cứu sản xuất toàn cầu tại LMC Automotive cho biết: "Những gì chúng tôi không trông đợi rõ ràng là một kịch bản khác với nguồn cung chip bị ảnh hưởng và cản trở sự phục hồi".

Bình luận trên chuyên trang CNN Business, ông Justin Cox cho rằng việc Nga hạn chế xuất khẩu khí neon thật "đáng lo ngại", nhưng nó không phải điều bất ngờ đối với các nhà sản xuất chip, bởi từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, ngành công nghiệp bán dẫn đã chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung từ khu vực này.

Khí neon đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn, trong một quá trình được gọi là in thạch bản (lithography). Khí này kiểm soát bước sóng ánh sáng do tia laser tạo ra khi nó khắc các mẫu lên các phiến silicon để tạo nên con chip.

Trước chiến sự, Nga đã thu thập neon thô dưới dạng phụ phẩm trong các xưởng luyện thép, sau đó chuyển đến Ukraine để điều chế. Theo nhà phân tích công nghệ Jonas Sundqvist từ Công ty Techcet, Nga và Ukraine đã trở thành các nhà sản xuất khí hiếm hàng đầu kể từ thời Liên Xô khi các siêu cường sử dụng chúng để phát triển công nghệ quân sự và vũ trụ.

Xung đột Nga - Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022 đã gây ra thiệt hại đáng kể đến năng lực cung cấp khí hiếm. Giao tranh ác liệt ở một số thành phố của Ukraine, bao gồm hai thành phố cảng chiến lược Mariupol và Odessa, đã phá hủy các cơ sở sản xuất công nghiệp và khiến việc xuất khẩu hàng hóa từ khu vực này trở nên vô cùng khó khăn.

"Bây giờ chúng ta đã mất vĩnh viễn khả năng điều chế (khí hiếm) ở Mariupol và Odessa", ông Jonas Sundqvist nhấn mạnh.

Thế nhưng, các nhà sản xuất chất bán dẫn đã và đang cắt giảm sự phụ thuộc vào các cơ sở điều chế khí hiếm ở Mariupol and Odessa kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Mặt khác, ông Peter Hanbury, nhà phân tích nền sản xuất công nghiệp châu Mỹ tại Bain & Company, cho biết các nhà sản xuất chip đã cấp tốc nâng công suất sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chuyên gia này cho hay, mức phụ thuộc của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu vào nguồn cung khí neon từ Ukraine và Nga đã ở mức "rất cao trong lịch sử", lên tới 80 - 90%. Nhưng kể từ năm 2014, các nhà sản xuất chip đã giảm mức phụ thuộc này xuống còn chưa đầy 1/3.

"Ngành công nghiệp bán dẫn đã ý thức được rủi ro liên quan đến [khu vực điều chế khí hiếm ở Ukraine và Nga - BTV] và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cơ bản để thiết lập nguồn cung mới từ các quốc gia khác và các nhà cung cấp cụ thể", ông Peter Hanbury cho biết.

Dẫu vậy, chuyên gia của Bain & Company cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá các biện pháp hạn chế xuất khẩu khí của Nga sẽ tác động như thế nào đến các nhà sản xuất chip. Vì cho đến nay, chiến sự ở Ukraine vẫn chưa làm suy giảm sản lượng chip nói chung, ông Peter Hanbury cho biết.

"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ ngấm tác động trong ít nhất vài tháng... Tôi cho rằng tác động mà chúng ta thấy có thể sẽ ở mức tối thiểu", ông Peter Hanbury nói thêm.

Ngay cả khi các hãng sản xuất chip tìm được nguồn cung thay thế cho nguồn cung khí hiếm bị đứt đoạn ở vùng chiến sự, họ có thể phải chi trả nhiều hơn cho các loại khí quan trọng dùng cho sản xuất chip.

Hàn Quốc sẽ ngấm tác động trước tiến, còn Trung Quốc có thể hưởng lợi lớn

Ông Jonas Sundqvist từ Công ty Techcet lưu ý, hiện rất khó cập nhật giá neon và các loại khí hiếm khác, vì hầu hết chúng được giao dịch bằng các hợp đồng tư nhân dài hạn. Nhưng Techcet ước tính rằng giá neon giao kỳ hạn đã tăng gấp 5 lần kể từ chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

“[Việc Nga giới hạn xuất khẩu khí hiếm] chắc chắn sẽ có tác động đến bất kỳ hợp đồng nào ký mới”, ông Jonas Sundqvist khẳng định.

Chuyên gia của Techcet nhận định, không giống như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, Hàn Quốc sẽ ngấm tác động của nguồn cung khí hiếm bị hạn chế trước tiên, bởi quốc gia này phụ thuộc vào nguồn khí hiếm cao cấp nhập khẩu và thiếu các công ty khí đốt lớn có thể thúc đẩy sản xuất.

Năm ngoái, Samsung (Hàn Quốc) đã vượt qua Intel (Mỹ) để trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới về doanh thu, theo dữ liệu do Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (Hong Kong) tổng hợp.

Micron Technology (MU), một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho biết giá khí hiếm đã tăng vọt, nhưng họ đã chuẩn bị "đủ nguồn cung trong vài tháng tới" và không nghĩ tới chuyện cắt giảm sản lượng trong ngắn hạn.

"[Chúng tôi] đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn khí hiếm bổ sung trong thời gian dài hơn", đại diện Micron Technology tiết lộ.

Các quốc gia đang chạy đua để nâng cao năng lực sản xuất chip sau 2 năm đối mặt với sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch.

Intel đã đề nghị hỗ trợ chính phủ Mỹ thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất chip và đầu năm nay tập đoàn này tuyên bố sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới tại quê nhà. Năm ngoái, Samsung cũng cam kết xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD ở bang Texas, Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại việc mở rộng sản xuất chip sẽ kéo nhu cầu về khí hiếm tăng theo.

Khi Nga hạn chế xuất khẩu khí hiếm, thì Trung Quốc có thể sẽ hưởng lợi lớn bởi quốc gia này có năng lực sản xuất lớn nhất, ông Jonas Sundqvist từ Công ty Techcet phân tích.

Từ năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, bao gồm cả thiết bị cần thiết để tách khí hiếm khỏi các sản phẩm công nghiệp khác. Theo đánh giá của ông Jonas Sundqvist, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu ròng các loại khí hiếm và tuyên bố sẽ tự chủ về các mặt hàng này.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nhu cầu khí hiếm của thế giới sẽ tập trung vào Trung Quốc và quốc gia này sẽ "có thể định đoạt được mức giá tốt cho sản phẩm [của mình]".

Dù gặp khó khăn về nguồn cung chất bán dẫn, các nhà sản xuất chip vẫn thắng lớn ngay giữa đại dịch Covid-19 và không gian tăng trưởng của ngành này vẫn rộng mở trong năm 2022.

Sau mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021, doanh số chip bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục bật thêm gần 10% và vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022, theo dự báo của Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes. Năm 2021, doanh số chip bán dẫn toàn cầu đã tăng vọt 26% lên 553 tỷ USD.

Con đường tự cường công nghệ bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn xa
Xét về mặt công nghệ chế tạo chip, ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC vẫn còn đi sau doanh nghiệp của các nước vài năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư