Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Các tỷ phú Pháp dốc tiền sửa Nhà thờ Đức Bà
 
Những người giàu nhất Pháp hứa đóng góp 678 triệu USD và nguồn lực thiết kế để trùng tu biểu tượng quốc gia.
Chủ nhân các tập đoàn hàng hiệu đã cam kết chi tổng cộng 600 triệu euro (678 triệu USD) cho công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, một ngày sau khi danh thắng này chìm trong biển lửa.

Theo sau lời kêu gọi đóng góp của Tổng thống Emmanuel Macron, chủ tịch và CEO Kering (công ty sở hữu thương hiệu Gucci) – Francois-Henri Pinault và bố – Francois Pinault, là những người đầu tiên tuyên bố sẽ quyên tiền qua công ty đầu tư Artemis. Gia đình đại gia Pinault hứa chi 100 triệu euro.

Chỉ vài phút sau, gia đình Arnault "đối đáp" bằng cam kết góp 200 triệu euro, kèm nguồn lực kiến trúc và thiết kế từ đế chế thời trang LVMH. Tương tự, hãng mỹ phẩm L'Oreal và cổ đông chính là gia đình Bettencourt Meyers ra thông cáo sẽ trích 200 triệu euro từ tài sản công ty và quỹ từ thiện riêng.

Cấu trúc chính Nhà thờ Đức Bà Paris được bảo vệ sau khi tháp chuông cao nhất đổ sập và phần lớn mái bị thiêu rụi. Ảnh: Chesnot.

Cấu trúc chính Nhà thờ Đức Bà Paris được bảo vệ sau khi tháp chuông cao nhất đổ sập và phần lớn mái bị thiêu rụi. Ảnh: Chesnot.

"Thảm họa này đau thương với tất cả người Pháp, và hơn thế, với những ai gắn bó về giá trị tâm linh", Francois-Henri Pinault, tỷ phú 56 tuổi, cho biết trong thông cáo. "Bất cứ ai cũng mong muốn trả lại sự sống cho viên ngọc di sản này càng sớm càng tốt".

Ngoài đóng góp tài chính từ các cá nhân và doanh nghiệp, còn có những đề nghị hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài Pháp. Tổng thống Macaron nói sẽ đưa những người cừ khôi nhất tái thiết nhà thờ sau vụ cháy.

Pháp chưa xác định được chi phí sửa chữa. Quá trình cải tạo công trình kiến trúc Gothic hơn 850 năm tuổi này trên thực tế diễn ra vào lúc xảy ra hỏa hoạn, với chi phí khoảng 150 triệu euro, theo Michel Picaud từ nhóm gây quỹ có tên "Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris". Ông ước tính sẽ mất gấp ba số tiền sau thảm họa.

Từ trái qua: diễn viên Sean Penn, Charlize Theron, tỷ phú Bernard Arnault và vợ tại Tuần lễ Thời tran Paris 2014. Ảnh: Pascal Le Segretain.

Diễn viên Sean Penn (bìa trái), Charlize Theron, tỷ phú Bernard Arnault và vợ tại Tuần lễ Thời tran Paris 2014. Ảnh: Pascal Le Segretain.

Giới giàu có nhất nước Pháp chủ yếu kinh doanh hàng xa xỉ và họ đã đứng sau vài dự án trùng tu của thành phố Paris. Ông Francois Pinault, 82 tuổi, là người giàu thứ 23 hành tinh với khối tài sản ước tính hơn 37 tỷ USD; còn Bernard Arnault là chủ nhân 70 tuổi của nhãn hiệu Louis Vuitton, nắm trên 90 tỷ USD, giàu nhất Pháp và thứ ba thế giới. Trong khi đó, người thừa kế tập đoàn L'Oreal, Francoise Bettencourt Meyers, là phụ nữ giàu nhất hành tinh với khoảng 53 tỷ USD.

Ngoài các tên tuổi trên, tập đoàn dầu khí Total - công ty lớn nhất Pháp theo doanh thu - sẽ đóng góp 100 triệu USD cho dự án tái thiết. Danh sách quyên tiền cho biểu tượng của thủ đô Paris còn gồm các công ty Bouygues, Capgemini, Kravis (Mỹ), Vinci, Groupe Duval, BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole.

Quá trình dập lửa Nhà thờ Đức Bà Paris hiện đã hoàn tất, với cấu trúc chính được bảo vệ và không có người thiệt mạng. Một số báu vật như mão gai của Chúa Jesus, đàn organ 8.000 ống, bộ ba cửa kính hoa hồng nổi tiếng, tháp chuông đôi... được xác nhận an toàn. Pháp bước vào cuộc điều tra nguyên nhân hỏa hoạn và xác định mức độ thiệt hại.

[Infographic] Nhà thờ Đức Bà Paris - một biểu tượng văn hoá của nước Pháp
Ngọn lửa dữ dội bùng lên lúc 18h50 ngày 15/4/2019 (23h50 giờ Việt Nam) tại Nhà thờ Đức Bà ở Thủ đô Paris của Pháp và cháy rực trong hơn một giờ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư