Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cách tính GDP không hề dưới chuẩn
Mạnh Bôn - 01/11/2013 14:49
 
Được chỉ định phát biểu vào buổi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội vào sáng nay để giải thích đối với băn khoăn, thắc mắc của nhiều đại biểu Quốc hội về những con số thống kê được cho là… dưới chuẩn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh một lần nữa khẳng định: “Những số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê - TCTK - (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán và công bố là chính xác”, và cách tính GDP được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng vì độ chính xác rất cao. >>> Chuyện số liệu thống kê chênh lệch "một trời một vực" >>> Chấn chỉnh chuyện "GDP theo tỉnh"

“Nhưng đối với các con số thống kê khác do các bộ ngành tính toán, tổng hợp và báo cáo TCTK để công bố thì độ chính xác chưa cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có 350 chỉ tiêu, trong đó có 146 chỉ tiêu được giao cho ngành thống kê tính toán, bằng 42% tổng số chỉ tiêu quốc gia, còn lại là do các bộ ngành khác chịu trách nhiệm tính toán, tổng hợp và báo cáo TCTK để công bố.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Hệ thống thống kê của Việt Nam như thừa nhận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chưa phải thực sự đã hiện đại, hoàn thiện nhưng đã được thiết lập từ TCTK xuống cục thống kê cấp tỉnh và phòng thống kê cấp huyện và còn có chân rết là các cộng tác viên điều tra của ngành thống kê.

Riêng về cách tính chỉ số quan trọng nhất - GDP, hiện Việt Nam đang tính theo hệ thống tài khoản quốc gia của Cơ quan thống kê Liên hợp quốc bằng 2 phương pháp: xác định GDP bằng tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế cộng với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; xác định GDP bằng tiêu dùng cuối cùng của người dân và Nhà nước, cộng với tích lũy tài sản, cộng với chênh lệch xuất-nhập khẩu.

“Hai phương pháp tính toán GDP này được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng vì độ chính xác rất cao. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm với con số tăng GDP mà chúng tôi công bố hàng quý, hàng năm. Con số do chúng tôi công bố không phải là chủ quan, mà rất khoa học và hàng năm đều được cơ quan, tổ chức kinh tế quốc tế kiểm tra lại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Vẫn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các phương pháp tính toán chỉ số thống kê của Việt Nam đã tương thích với quốc tế. Không những thế, nhiều chỉ số tính toán thống kê của Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế kiểm định và xác định độ chính xác.

Vì vậy, có thể khẳng định, các con số mà TCTK công bố về cơ bản là chính xác, nhưng chưa thể chính xác tuyệt đối bởi còn phụ thuộc vào đối tượng được điều tra, khảo sát trả lời có thực sự chính xác hay không. Tuy nhiên, trong khoa học thống kê cũng đã có những nguyên tắc tính toán để loại trừ những rủi ro này.

Giải thích về sự chính xác của dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,4% của năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Dự báo này còn khá khiêm tốn, và nếu 3 tháng cuối năm, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường tiếp tục phát huy hiệu quả thì khả năng tốc độ tăng trưởng GDP còn cao hơn.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, các chỉ số thống kê có thể tính toán một cách chính xác đều tăng hơn năm 2012 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng khoảng 15%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 6%; các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang chuyển biến tốt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như giải ngân vốn ODA năm nay đều tăng rất mạnh so với năm 2012.

“Chưa tính Nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, chỉ tính Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, giá trị tăng thêm năm 2013 đã cao hơn năm ngoái 2 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Nhà máy này năm 2013 dự kiến đạt tới 22 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2012 là 12,8 tỷ USD”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chứng về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn đối với khu vực sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định cũng đang lấy lại đà phục hồi. Minh chứng, nếu trong năm 2011 và 2012, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của khu vực trong nước đều giảm thì trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 4,4%.

Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,14% - thấp hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm của các tỉnh (GRDP) rất nhiều là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, vì nghi ngờ cách xác định GRDP của nhiều địa phương.

Không bình luận về sự đúng sai của sự nghi ngờ này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chứng, Lâm Đồng là một trong số các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng GRDP rất cao. Năm nay, Lâm Đồng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 15-16% so với năm 2012, nhưng đến tháng 9 đã tăng tăng 14,8%.

“Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nghĩ thế nào về con số tăng GRDP của địa phương. Còn tôi thì tin con số này là có căn cứ, vì ngành khai khoáng của Lâm Đồng năm nay tăng trưởng hơn 20% do tăng thêm 240 ngàn tấn alumin; sản lượng điện trên địa bàn rất lớn do một tổ máy phát điện đi vào hoạt động, sản lượng cà phê cũng tăng rất mạnh. Từ góc nhìn của Lâm Đồng, chúng ta có thể nhìn rộng sang các địa phương khác để lý giải vì sao GDP và GRDP của các địa phương có sự khác biệt”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Chấn chỉnh chuyện "GDP theo tỉnh"
Cả Việt Nam chỉ có tăng trưởng GDP cả nước, chứ không có khái niệm GDP theo tỉnh. Chính phủ tới đây sẽ chấn chỉnh điều này. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư