Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam còn nhập siêu lớn
Hải Yến - 25/01/2024 14:18
 
Bộ Công thương giao nhiệm vụ cho các Cục, Vụ trực thuộc, Sở Công thương, doanh nghiệp triển khai loạt giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện các mục tiêu mà ngành Công thương được Chính phủ giao trong năm 2024.
Năm 2024, ngành Công thương được giao nhiệm vụ tăng trường xuất khẩu 6%, xuất siêu 15 tỷ USD.
Năm 2024, ngành Công thương được giao nhiệm vụ tăng trường xuất khẩu 6%, xuất siêu 15 tỷ USD.

Bộ Công thương vừa ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Chương trình hành động cũng nhằm mục tiêu thực các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công thương năm 2024.

Năm 2024, ngành Công thương được giao thực hiện các mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoang 24,1 - 24,2%; Điện sản xuất và nhập khẩu đạt 306,259 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 262,26 - 269,3 tỷ kWh.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; tăng trưởng thương mại điện tử B2C khoảng 18-20%.

Để thực hiện các mục tiêu này, tại Chương trình hành động, Bộ Công thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành. Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo ổn định các cân đối lớn của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu lại một cách hiệu quả, thực chất công tác đầu tư công.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn vói nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kỉnh doanh mớỉ, hiệu quả.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Bộ giao Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi trong các FTA.

Theo dõi sát tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp, trọng tâm là chiến sự Nga-Ukraine và những tác động tới khu vực chiến sự và thế giới; cơ hội từ việc mở cửa trở lại sau đại dịch của Trung Quốc, xu hướng xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

"Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường, từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn", Bộ trưởng yêu cầu.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, nhất là nông sản mang tính thời vụ, chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công thương giao Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường nội địa, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Triển khai hiệu quả công tác vận động Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng vệ cho các doanh nghiệp, theo dõi, đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng vệ, nhất là với nhóm hàng hóa nhạy cảm để có giải pháp kịp thời.

Chịu tác động từ kinh tế và thương mại toàn cầu yếu đi, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta cán đích 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước. 

Trong đó xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,05 tỷ USD), không đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như đã đề ra, và nhập khẩu đạt 326,37 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD). Cán cân thương mại lần đầu tiên ghi nhận xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, cán cân thương mại xuất siêu cao chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu.

Năm qua, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm gần 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư