Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Cải thiện môi trường kinh doanh 2024: Đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm vướng mắc
Khánh An - 31/12/2023 09:05
 
Khi có cơ chế giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong thủ tục đầu tư cũng như các vướng mắc đã được nhận diện trong hoạt động kinh doanh, thì tâm lý chờ đợi của cả công chức và doanh nghiệp sẽ có cách giải tỏa.
Môi trường kinh doanh chỉ có thể được cải thiện khi những tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp được nhận diện và có cơ chế giải quyết cụ thể.  Ảnh: Đ.T

Nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh trở lại

Cuộc làm việc giữa các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cuối năm 2023 có thêm một phần trao đổi mới ngoài lịch trình, đó là sự trở lại của nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong phần trình bày của mình, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa nội dung này vào nhóm các yếu tố thuận lợi của kinh tế năm 2024, cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, quan hệ đầu tư, thương mại với các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… được cải thiện.

“Với sự trở lại của nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, thông điệp được đưa ra là Chính phủ chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và như vậy sẽ có sự thực hiện mạnh mẽ, cải thiện hơn năm 2023”, ông Cung nhận định.

Năm 2023, các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh được nhập vào thành một phần của Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Khi đó, các chuyên gia kỳ vọng, việc thực hiện yêu cầu báo cáo hàng tháng của Nghị quyết 01 sẽ đặt yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trong điều hành kinh tế năm 2023 khiến động lực cải cách của các bộ, ngành suy giảm. Đặc biệt, việc thiếu yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng khiến các cơ sở giám sát thực thi của các bên liên quan giảm đi, ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chia sẻ và đóng góp chính sách của cộng đồng doanh nghiệp…

Thậm chí, nhận diện môi trường kinh doanh năm 2023, nhiều chuyên gia đã nhắc tới niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh và sự tụt dốc của môi trường kinh doanh.

Tình thế sẽ thay đổi khi trong nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn đặt yêu cầu kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao…

Nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh sẽ giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động

Cùng quan điểm với ông Cung về điểm thuận lợi của năm 2024, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhắc tới một trong những mục tiêu tổng quát đang được đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết đang trình Chính phủ. Đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

“Doanh nghiệp chỉ trở lại, sẵn sàng đầu tư nếu thấy rõ các tồn tại, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, các khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh được nhận diện và có cơ chế giải quyết cùng với tạo áp lực trong thực thi. Đây là lý do chúng tôi đề xuất nhóm giải pháp liên quan đến tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư là nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, bà Thảo cho biết.

Cụ thể, Dự thảo quy định, các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Khác với các nghị quyết về nội dung này những năm trước, lần này, trọng trách của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tổ công tác cải cách thủ tục hành chính được xác định rất cụ thể ở cả vai trò xử lý và giám sát thực hiện.

Nhiệm vụ chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành… cũng được tiếp tục nhấn mạnh, theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán và không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa, như lỗi đánh máy, chậm nộp hồ sơ với những vi phạm lớn như về chất lượng hay gian lận…

“Khi làm việc với các doanh nghiệp về Dự thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tháo gỡ triệt để những ách tắc trong thủ tục đầu tư đang là mối quan tâm lớn nhất, sẽ tạo tác động tích cực nhất tới môi trường kinh doanh năm 2024, tạo cú hích cho các quyết định đầu tư - kinh doanh mới cũng như mở rộng đầu tư”, bà Thảo chia sẻ.

Vẫn còn thách thức từ thực thi

Mặc dù đồng thuận với những giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra trong Dự thảo, song khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp cho rằng, việc thực thi sẽ không đơn giản.

“Không ít tồn tại, vướng mắc được nhắc đến đã tồn tại từ trước, nhưng lại trở nên trầm trọng hơn trong năm 2023. Nguyên nhân là các chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định chưa được tháo gỡ và sẽ khó tháo gỡ trong ngày một ngày hai”, ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Bắc Giang lý giải.

Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp lo ngại. Bà Thảo cho biết, trong quá trình thực hiện nghị quyết 10 năm qua, đã có những cách làm, kinh nghiệm tốt để xử lý khó khăn tương tự. “Ngay trong Dự thảo, chúng tôi cũng đề nghị nhắc đến để nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, đặc biệt chú trọng nhân rộng quy định về áp dụng quản lý rủi ro; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, bà Thảo làm rõ.

Cũng phải nhắc lại, Nghị định 15/2018/NĐ-CP được coi là cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về kiểm tra chuyên ngành khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương. Đặc biệt, cho đến giờ, các doanh nghiệp luôn nhắc đến nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã chấm dứt tình trạng một chiếc bánh sô-cô-la “cõng” 13 giấy phép từng được đưa ra làm điển hình cho tình trạng quy định quản lý chồng chéo, tầng nấc, thiếu hiệu quả.

Nguyên tắc đó là, cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

“Nếu nguyên tắc này được nhân rộng, áp dụng trong thực thi các quy định đang có chồng chéo, mâu thuẫn và chưa thể sửa đổi sớm trong năm 2024, thì những lo ngại mà cộng đồng doanh nghiệp đang nhắc tới sẽ có hướng xử lý”, bà Thảo nói.

Tuy nhiên, bà Thảo làm rõ thêm, nguyên tắc của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi làm thủ tục thông qua một đầu mối, nhưng đối với thủ tục đầu tư vốn ẩn chứa nhiều khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, thì cần có cơ chế cho phép cơ quan thực thi và doanh nghiệp được được lựa chọn quy định hay thủ tục phù hợp để thực hiện nếu các quy định chuyên ngành có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn.

Có lẽ, cần có cơ chế rõ ràng hơn, bao quát rộng hơn để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong thủ tục đầu tư cũng như các vướng mắc đã được nhận diện trong hoạt động kinh doanh. Khi đó, tâm lý chờ đợi của cả công chức và doanh nghiệp sẽ được giải tỏa.

Cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép lựa chọn quy định phù hợp để áp dụng

Rào cản thể chế đã được nhận diện, đề cập nhiều, nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Cũng có nhiều lý do, nhưng có lẽ, vì chúng ta đang làm theo cách vướng đâu gỡ đó, chưa có sự tổng thể, nên khó tạo được sự đồng bộ, thống nhất. Cách làm này nhiều khi cũng tạo nên khó khăn mới, khi các vấn đề mới liên tục phát sinh.

Chính vì vậy, trong khi chưa thực hiện giải pháp căn cơ là rà soát, sửa đổi toàn diện để đảm bảo tính thống nhất của các quy định, cần có cách tiếp cận mới trong thực thi, để đảm bảo cơ quan thực thi dám nghĩ, dám làm. Tôi cho rằng, Quốc hội cần có nghị quyết cho phép lựa chọn quy định phù hợp để áp dụng, đi kèm đó là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trong cơ chế này, đặt trách nhiệm của cán bộ thực thi cũng như cơ quan quản lý nhà nước vào đầu ra của công việc, chứ không phải theo tiêu chí tuân thủ đúng hay không... Đây cũng là cách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm một cách thực sự.

- GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Chủ tịch Kocham hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam
Ông Shon Young IL, Chủ tịch Kocham đưa ra một số đề xuất giúp mối hợp tác giữa cơ quan Nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hiệu quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư