Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cải thiện môi trường kinh doanh không còn là chỉnh sửa, tháo gỡ
Bảo Duy - 26/01/2019 09:35
 
Các đề nghị cắt giảm ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đã bắt đầu được đưa ra khi bản dự thảo đầu tiên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được công bố.
.
Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ phải có những thay đổi lớn, mang tính căn bản về tư duy quản lý, tư duy 4.0.

Tín hiệu cho thấy, môi trường kinh doanh sẽ không chỉ có những chỉnh sửa, tháo gỡ, mà sẽ là những thay đổi lớn, theo nghĩa thay đổi tư duy và cơ chế quản lý. Theo hướng đó, việc hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Hơn thế, các thay đổi này sẽ cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Quan trọng hơn, những thay đổi này sẽ chấm dứt tư duy cổ hủ quen thuộc theo kiểu “vì luật quy định, thì buộc phải tuân thủ” trong cách ứng xử của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trước sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh, ý tưởng sáng tạo mới.

Còn nhớ, khi “cuộc chiến” với giấy phép con được tái khởi xướng với Luật Đầu tư năm 2014, một trong những lý do không thể bãi bỏ hay thay đổi điều kiện kinh doanh của không ít ngành, nghề là do được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành.

Ngay cả những tranh luận về việc xếp mô hình kinh doanh của Grab vào đâu, áp dụng cách thức quản lý thế nào, cho đến nay, vẫn đang trong thế bí khi Luật Giao thông đường bộ phân chia cứng 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và 4 loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Nhiều ý kiến phân tích, nếu không sửa Luật Giao thông đường bộ, thì để ở lại Việt Nam, Grab sẽ buộc phải nắn mình cho vừa khuôn của 1 trong các loại hình trên và đương nhiên, mọi sáng tạo của một mô hình mới trở nên vô nghĩa...

Điều đáng nói là trong quá trình này, rất hiếm khi các cơ quan quản lý chuyên ngành chủ động để xuất sửa đổi luật hay các phương án tương tự để tạo cơ hội cho các mô hình mới tồn tại, phát triển.

Có lẽ đây là lý do mà ông Anthony Ping Yeow Tan, Tổng giám đốc sáng lập Tập đoàn công nghệ Grab đã không bỏ lỡ cơ hội có mặt tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kinh tế Việt Nam tại Davos (Thụy Sỹ) ngày 23/1 vừa qua, để hỏi rõ quan điểm của Chính phủ đối với mô hình kinh doanh mới mẻ như Grab.

Tất nhiên, ông Anthony Ping Yeow Tan và nhiều lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu có mặt tại cuộc đối thoại trên đã nhận được thông điệp rất tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm không quản lý được thì đóng cửa là lạc hậu, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nói, nhìn nhận Grab là mô hình kinh doanh mới, ảnh hưởng mạnh đến các mô hình kinh doanh truyền thống. Ông cũng nói, Chính phủ Việt Nam xem cuộc cách mạng 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ, do đó, các chính sách của có xu hướng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới...

Cũng phải nhắc lại lời đề nghị của Thủ tướng Chính phủ với các lãnh đạo tập đoàn toàn cầu: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam” và “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.

Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ phải có những thay đổi lớn, mang tính căn bản về tư duy quản lý, tư duy 4.0 thì mới có thể thực hiện được cam kết này của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019: Bắt đầu các cuộc đấu trí
Các bộ, ngành bắt đầu cuộc đấu trí để thực hiện yêu cầu cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư