Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần bỏ vấn nạn sinh phải “tự nguyện” xin để được học thêm
D.Ngân - 12/08/2022 16:02
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo phải có cơ chế, đảm bảo không vì lý do nào học sinh phải “tự nguyện” xin để được học thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/8 tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Còn đó nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, các cơ sở đào tạo đã duy trì chất lượng giáo dục; triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước... việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. 

Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến.

Bên cạnh đó, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, đường truyền Internet có nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy, học. 

Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh; sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau. 

Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.

Với giáo dục mầm non, việc tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở áo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên. 

Tỷ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. 

Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập. 

Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. 

Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023. 

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; 

Còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. 

Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ;

Bên cạnh đó, một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu;

Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học phổ thông còn thấp so với bình quân chung cả nước và không đồng đều giữa các dân tộc. 

Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập.

Một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ.

Điều này dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết tại một số đơn vị.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến;

Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng còn chưa thực sự hiệu quả.

Khắc phục các "điểm nghẽn"

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trong năm học qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay ngành đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Năm học 2022-2023 có chủ đề "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".

Trong năm học tới, đối với giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú ý đến nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025" và Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025". 

Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp.

Đồng thời từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023.

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học tới là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung 35 thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.

Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. 

Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế. Thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.

Bỏ vấn nạn học sinh phải “tự nguyện” xin để được học thêm

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục và Đào tạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, dù ngành đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại một cách nghiêm túc các danh hiệu liên quan đến chuẩn. 

Phó Thủ tướng yêu cầu bản thân ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới quản lý, đổi mới quản trị trong bậc đại học lẫn phổ thông, phải xây dựng được môi trường dân chủ, văn hóa trong trường học.

Bên cạnh đó, Bộ phải rà soát lại, đề xuất các cơ chế về thực hiện tự chủ để có một tỷ lệ trường thích hợp ở những vị trí địa lý địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó, lấy biên chế bù cho các vùng nông thôn làm sao có đủ giáo viên để học sinh học ngày 2 buổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải ứng dụng công nghệ để có một hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số của từng địa bàn để từng địa phương chủ động đảm bảo đủ trường lớp, đủ giáo viên.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại một cách nghiêm túc các danh hiệu liên quan đến chuẩn. 

Trường chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí thi đua khen thưởng sao cho thực chất, tuyệt đối tránh tình trạng một số nơi trường đạt chuẩn đất rộng, nhưng lớp học nhếch nhác, kết quả học tập không tốt trong khi có những trường làm rất tốt nhưng vì điều kiện thực tế nên không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, Bộ và lãnh đạo các địa phương rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra cho điểm để đảm bảo không vì lý do nào học sinh phải “tự nguyện” xin để được học thêm, để được tổ chức lớp học, xin được đóng góp. 

Về phương án dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa để học sinh mượn sử dụng, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải liên hệ với các Bộ ngành có liên quan để có thể triển khai ngay trong năm học 2022-2023.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo không tự chủ được vấn đề biên chế, trường lớp nhưng chuyên môn về giáo dục, chương trình sách giáo khoa đương nhiên Bộ phải nắm. Mô hình quản trị các trường đại học, trường phổ thông đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đề xuất và phải thuyết phục xã hội, hệ thống chính trị cùng làm", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ.

Việt Nam xếp thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS.
Thứ hạng này của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2020, tuy nhiên, vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore hạng 21, Malaysia hạng 38, Thái Lan hạng 46, Indonesia hạng 54, Philippines hạng 55).
Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Theo đó, năm 2022 Việt Nam có 5 đại diện được lọt vào bảng xếp hạng Times Higher Education (THE), gồm Trường ĐH Duy Tân: vị trí 401-500; Trường đại học Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500; ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200; Trường đại học Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+; Đại học Quốc gia TP.HCM: vị trí 1.201+.
Tại bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 và bảng xếp hạng trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021), Việt Nam cũng có 5 đại diện là các cơ sở giáo dục ĐH nói trên.
Ngoài ra, nước ta có 10 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở giáo dục ĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022.
Tuy nhiên, trước đó, theo báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam công bố vừa qua, nhiều chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng đại học của Việt Nam vẫn ở vị trí cuối bảng.
Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường đại học tại báo cáo trên cho thấy Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực.
Theo một số bảng xếp hạng uy tín, Việt Nam đều có đại diện lọt top 1.000 thế giới nhưng vẫn ở vị trí cuối. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia, Singapore, Thái Lan đều ở top 100, thậm chí có trường còn thuộc top 10.
Nhận định của nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đại học Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư