Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cần cái nhìn đúng về Chương trình ”Sữa học đường”
Hoàng Yến - 12/10/2018 15:45
 
Chương trình “Sữa học đường” đã được các đại biểu nhất trí thông qua trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN

Sau nhiều ý kiến băn khoăn, chương trình “Sữa học đường” cũng đã được các đại biểu nhất trí thông qua trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Chương trình sữa học đường được triển khai rộng rãi tại Việt Nam
Chương trình sữa học đường được triển khai rộng rãi tại Việt Nam

Vì sao cần triển khai Chương trình “Sữa học đường”

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình Sữa học đường được triển khai từ rất sớm, với mục tiêu giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội – cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.

Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh (HS) mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình “Sữa học đường”. Đến nay đã có một số tỉnh, TP đã triển khai chương trình này như TP.HCM, Nghệ An, Quảng Ngãi…Chương trình được triển khai với ý nghĩa nhân văn và đạt được những kết quả khả quan trong cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp coi và nhẹ cân của các địa phương.

Tại Hà Nội, Đề án “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đặt ra mục tiêu, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đạt trên 40% và đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D. Và sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học xuống dưới 5,5%. Đồng thời, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%. Về ngân sách Thành phố sẽ trợ giá 30% từ nguồn ngân sách, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 triệu đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, Chương trình được triển khai với mục tiêu 100% phụ huynh, người chăm sóc học sinh; 90% trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (các trường công lập, ngoài công lập) và trẻ học lớp mẫu giáo độc lập tư thục tham gia đề án. Chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, tỷ lệ protein động vật, protein tổng số khẩu phần trẻ em tham gia đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 4,4%; thể thấp còi dưới 6,8%.

Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 348 tỷ đồng, cha mẹ học sinh trên 547 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa trên 239 tỷ.

Đừng làm sai lệch ý nghĩa chương trình

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, khi được giao triển khai tham mưu đề án, Sở đã lấy ý kiến hơn 260.000 phiếu khảo sát và có đến 84% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần mỗi tuần.

Trước đó, trong buổi làm việc với báo chí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, trước cũng như sau khi đưa vào thực hiện, hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của Bộ Y tế đưa ra. Việc sản xuất sữa cũng phải có quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế đã quy định…

“Trong đề án của TP nêu mức hỗ trợ tối thiểu của đơn vị trúng thầu là 20%, ai hỗ trợ nhiều hơn thì sẽ được ưu tiên với tiêu chí học sinh sẽ được sử dụng sữa có chất lượng với mức giá thấp”.

Ở góc độ phụ huynh, đang có con theo học lớp 2, anh Nguyễn Hữu Hưng, ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ sự không đồng tình với những suy nghĩ và những phát ngôn thái quá về Chương trình này.

Anh chia sẻ: “Một chương trình ý nghĩa đang bị bóp méo mó, dù cơ quan chức năng khẳng định sữa đảm bảo chất lượng. Theo tôi, cách chọn nhà cung cấp sữa thông qua đấu thầu là việc làm công khai, minh bạch”. Anh Hưng cũng cho rằng, phụ huynh được tự nguyện tham gia, không bắt buộc, vậy sao nhiều người lại phản đối kịch liệt, chính điều này đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác?

Cùng chia sẻ quan điểm này, chị Nguyễn Thu Thủy- một phụ huynh có con học tiểu học ở phường Thành Công, quận Đống Đa nêu quan điểm “Với các tiêu chí rõ ràng như vậy, chẳng có lý do gì để phản đối chương trình”

Việc một số phụ huynh có cái nhìn chưa đúng về Chương trình “Sữa học đường” đã tạo ra những luồng thông tin trái chiều, làm mất đi tính nhân văn và hơn nữa, sẽ khiến con trẻ mất đi một cơ hội phát triển tốt về trí tuệ cũng như thể chất.

Trước ý kiến trái chiều về chương trình này, một chuyên gia dinh dưỡng xin không nêu tên chia sẻ “Đưa sữa vào học đường là việc mà thế giới đã làm từ lâu. Phụ huynh cần nắm bắt thông tin một cách rõ ràng để tìm hiểu cặn kẽ chính sách này được triển khai thế nào, bên nào tham gia, quan trọng nhất là con em sẽ được hưởng lợi ra sao? Hãy suy nghĩ trước tiên về lợi ích, tương lai con em mình”.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, một chính sách cũng có ưu điểm và hạn chế, không riêng gì Chương trình “Sữa học đường”. Do vậy, để đảm bảo chương trình triển khai đúng thì chính quyền cần minh bạch thông tin trong triển khai, báo chí truyền thông, hội đồng nhân dân và xã hội đóng vai trò giám sát xem Chương trình này được triển khai thực sự nghiêm túc hay không. Chính điều này tạo nên sự khách quan, trung thực và quan trọng hơn là đảm bảo tính hiệu quả chương trình cho chính con em chúng ta.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư