Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cần chế tài đủ sức răn đe việc ép mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng
Nguyễn Lê - 10/06/2023 10:57
 
Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong việc bán bảo hiểm nhân thọ và trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở của ngân hàng để tránh rủi ro cho hàng triệu khách hàng.
.
Phiên thảo luận tổ về dự án  Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Chiều nay (10/6) Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về nội dung này trước thềm phiên thảo luận toàn thể này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết một số vị đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát và thiết kế một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thay vì quy định rải rác trong các điều, khoản của dự thảo Luật để dễ thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm như các hành vi nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ nhằm chi phối, kiểm soát lại một TCTD; môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định pháp luật; hành vi lôi kéo, ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm trước khi được vay vốn; hành vi bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; … là những hành vi gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua.

Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong việc bán bảo hiểm nhân thọ và trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở của ngân hàng để tránh rủi ro cho hàng triệu khách hàng đang giao dịch với ngân hàng hiện nay, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Cạnh đó, theo Tổng thư ký, có đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định đủ sức răn đe đối với hoạt động ép mua bảo hiểm khi người vay tiếp cận các nguồn vốn vay và phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức và ngân hàng thương mại trong việc chịu trách nhiệm đối với các hoạt động trái với quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề trên, trong phát biểu tại tổ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu thực tế, qua xem trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thì thấy lợi nhuận từ hoạt động khác tăng lên rất đột biến. Có ngân hàng tăng từ khoảng hai trăm tỷ một năm thì lên đến khoảng bảy tám nghìn tỷ một năm.

Và có thực trạng vừa rồi nổi lên, đó là khi mà các tổ chức, cá nhân khi đến ngân hàng vay tín dụng, ví dụ như một hộ gia đình sản xuất kinh doanh có vay một hợp đồng tín dụng khoảng một tỷ đồng thì không hiểu sao lại mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với giá trị khoảng ba mươi triệu đồng, tức là bằng 3% hoặc đến 4% so với giá trị của hợp đồng tín dụng.

Cái này trở thành phổ biến đến mức mà sau đó cũng có những ý kiến rằng có sự ràng buộc giữa việc phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với việc vay vốn, ông Thịnh nói. 

Vẫn theo đại biểu Thịnh, rất nhiều ngân hàng cũng đã xây dựng “cái gọi là KPI” đối với nhân viên trong việc bán bảo hiểm nhân thọ.

Ông Thịnh cho biết, theo Thông tư của Bộ Tài chính thì việc trích lập cho đại lý đối với doanh thu bảo hiểm năm đầu là 40%, nhưng trong hoạt động của công ty bảo hiểm nhân thọ thì họ được phép hạch toán chi phí tối đa cho năm đầu là 90%, thế nên cũng có dư luận là khi ngân hàng bán được bảo hiểm nhân thọ năm đầu thì được trích đến 70 - 80%.

“Đây là những cái có dư luận nhưng cũng có cơ sở khách quan”, ông Thịnh nhìn nhận.

Đại biểu cho rằng, trong quá trình xu thế phát triển của tư bản tài chính và tư bản công nghiệp đều thừa nhận rằng trong mối quan hệ tín dụng, tổ chức tín dụng luôn là ở kèo trên đối với người đi vay. Bởi vì tổ chức tín dụng có những quyền rất đặc biệt, quyền nhận tiền của tất cả mọi người dân. Có những đặc quyền, ví dụ như kinh doanh tiền, đấy là một đặc quyền do luật cho phép.

Theo ông Thịnh, để cho hoạt động tín dụng được minh bạch thì cần phải cấm hành vi bán chéo, xung đột lợi ích, bán chéo bảo hiểm nhân thọ. Còn riêng bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay thì không sao, rất thấp. Để bảo vệ khoản vay tín dụng đó thì bảo hiểm này lại cần khuyến khích.

Ông Thịnh cũng phân tích, tại Điều 105, trong các hoạt động của ngân hàng thương mại thì được làm đại lý bảo hiểm theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, tức là vẫn phải được Nhà nước cấp phép. Trong bối cảnh hiện nay, ông Thịnh cho rằng không nên cho phép hoạt động này đối với các hệ thống tổ chức tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại.

Cùng lo ngại, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nói dự thảo luật cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm, nhưng chế tài đối với ngân hàng trong hoạt động này lại chưa rõ.

Ông Khải đề nghị dự thảo phải quy định rất rõ trách nhiệm của ngân hàng trong chuyện bán bảo hiểm nhân thọ và bán trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở của ngân hàng. Trách nhiệm này phải làm rất rõ ra để tránh rủi ro cho hàng triệu khách hàng đang giao dịch với ngân hàng hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư