Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng thanh tra là doanh nghiệp
Khánh Linh - 13/06/2022 14:56
 
“Tôi hy vọng, đây là thời điểm chấm dứt các gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp”. Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chia sẻ trước phiên thảo luận tại Hội trường chiều 13/6 về dự án Luật Thanh tra sửa đổi.
,
Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình

Tại sao đây là thời điểm giảm được gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, thưa ông?

Luật Thanh tra đang được sửa đổi toàn diện. Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. 

Phải xác định rõ, trong vài năm qua, nhiều chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh hoạt động này, như Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2020 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký.

Trước đó, năm 2016, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu “ các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải “theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế”...

Nhưng đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, không khiến doanh nghiệp an tâm. Những nội dung này phải được luật hóa. Và việc sửa đổi Luật Thanh tra là cơ hội để thực hiện yêu cầu này.

Đây là lý do tôi đề nghị cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp. Điều nay tôi chưa thấy có trong dự thảo Luật Thanh tra đang trình Quốc hội.

Khung pháp lý riêng theo ông nghĩa là thế nào?

Có thể là một chương trong Luật Thanh tra sửa đổi. Với các lý do sau.

Một là, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn, nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lắp, chồng chéo lớn, nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau... Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra.

Hai là, doanh nghiệp hoạt động liên tục, khó có thể hồi tố, con fthanh tra có thời hiệu, nếu không có quy trình, thủ tục rõ ràng, nhất là các nguyên tắc về hồi tố, doanh nghiệp không chỉ bị đối mặt với rủi ro hoạt động kinh doanh đình trệ mà có thể ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư...

Ba là, thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật, chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm, nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Tôi đề nghị thực hiện nguyên tắc áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp quy định pháp luật thiếu rõ ràng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Có thể đây là nội dung sẽ gây tranh luận?

 Nhưng quan điểm của tôi là, nếu áp dụng theo nguyên  tắc này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có động lực hoàn thiện các quy định, đảm bảo minh bạch và công khai trong thực thi. Phải nói là cách hiểu khác nhau chứ không hiểu theo cách vi phạm các quy định của luật.

Cũng đề đảm bảo giảm gánh nặng thanh tra cho doanh nghiệp, tôi cũng đề nghị xác định rõ quan hệ giữa quy định của luật này với quy định về thanh tra chuyên ngành trong các văn bản luật khác, đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc chung.

Dự thảo đang có quy định trong trường hợp cần thiết, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan nhà nước khác có tổ chức cơ quan thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Theo tôi cách này sẽ khiến gánh nặng thanh tra doanh nghiệp sẽ nặng hơn.

Tôi đề nghị chủ động tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về nội dung Dự thảo. Chính phủ cần bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật Thanh tra về nội dung thanh tra chuyên ngành với đối tượng là doanh nghiệp.

Thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 8 ngân hàng
Theo đó, có 8 ngân hàng trong danh sách thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư