Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cần có Luật Tình trạng khẩn cấp về y tế để yên tâm chống dịch
Nguyễn Đức Lam - 09/08/2021 08:42
 
Trong tình trạng khẩn cấp như chống đại dịch Covid-19, Quốc hội cần xem xét ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp về y tế.

“Chúng tôi cần một hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, đặt sức khỏe con người lên trên hết trong những tình huống khẩn cấp mà không phải bỏ qua quy định rườm rà, dẫn đến vi phạm”. Đó là phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu tại phiên thảo luận toàn thể chiều 21/7/2021 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021-2022. 

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, rất cần khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng được tình trạng khẩn cấp.

Không thể chậm trễ hơn được nữa

Là đại biểu Quốc hội thuộc ngành y, phát biểu của ông Nguyễn Lân Hiếu phản ánh thực tế, nhiều quy định liên quan đến khám, chữa bệnh, thủ tục xét duyệt mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trong tình thế khẩn cấp (như chống đại dịch Covid-19) gây khó khăn cho ngành y. Không chỉ vậy, những nội dung khác của khung pháp lý về phòng, chống dịch vừa thiếu, vừa “cũ kỹ”, lạc hậu, rất cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung.

Thực ra, ngay từ khi đại dịch mới xuất hiện hồi tháng 3/2020, nhiều điểm hạn chế, vướng mắc của khung pháp lý về chống dịch đã bộc lộ. Nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư đã lên tiếng về việc này. Báo chí đưa tin, Chính phủ thống nhất giao một số cơ quan chuẩn bị hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với tình hình. Đến kỳ họp cuối năm 2020, mới có đại biểu Quốc hội đề nghị phải sớm ban hành luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội quy định nhiều vấn đề liên quan đến chống Covid-19 như: mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị khi có dịch bùng phát; xử phạt; nhân lực; tài chính... Thế nhưng, ý kiến này có vẻ như bị chìm vào quên lãng.

Trong khi đó, ngay từ thời điểm tháng 3/2020, hầu như nước nào cũng sửa đổi, ban hành mới hàng loạt luật liên quan để chống dịch cho hiệu quả. Không sửa đổi được ngay như các nước, Việt Nam cũng đã bỏ lỡ khoảng thời gian tương đối "yên tĩnh" 1 năm qua để hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch. Tháng 6/2020, tháng 10/2020, sang năm 2021, chỉ có thêm nghị quyết hỗ trợ các nhóm gặp khó khăn vì đại dịch, thông tư miễn, giảm thuế và 3 chỉ thị chống dịch. Về cơ bản, khung pháp lý vẫn thiếu nhiều, mâu thuẫn nhau, đặc biệt là cũ kỹ, lạc hậu trước đại dịch “sầm sập” tấn công.

Sang nhiệm kỳ Quốc hội mới, tại phiên thảo luận chiều 21/7/2021 nói trên, trong số 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, có đến 6 người đề nghị cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phòng, chống dịch, tức là nhiều nhất, hơn cả số ý kiến về Luật Đất đai.

Tại các phiên họp tổ khác nhau, khá nhiều đại biểu Quốc hội khác tiếp tục nêu vấn đề này. Đặc biệt, Nghị quyết chung của kỳ họp đã gấp rút bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ủy quyền cho Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý phù hợp hơn để chủ động phòng, chống dịch. Hơn nữa, Nghị quyết giao Chính phủ “khẩn trương”, “kịp thời” sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến phòng, chống dịch theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

Điều đáng nói là, các nội dung về phòng, chống dịch được bổ sung vào Nghị quyết chỉ trong trong vòng chưa đến một tuần, trải qua tất cả các khâu, từ việc trình, thẩm tra, thảo luận, chỉnh lý, thông qua. Bài học này cho thấy, trong 3 tháng tới, hoàn toàn có thể hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2021. Như ở các nước, để kịp có khung pháp lý ứng phó với đại dịch, họ bỏ qua một số khâu như đánh giá tác động, rút gọn thời gian các khâu soạn thảo, tham vấn công chúng, thẩm định, thẩm tra, thảo luận. Đồng thời, cách làm “khẩn cấp” này cần đảm bảo chất lượng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để sẵn sàng đón nhận và ứng phó với các loại dịch bệnh.

Sửa đổi, bổ sung những gì?

Tương tự nhiều quốc gia khác, để ứng phó với Covid-19 và các loại đại dịch, Việt Nam cần sửa đổi hoặc ban hành mới rất nhiều luật và văn bản dưới luật về nhiều vấn đề khác nhau.

Một cách tổng thể, toàn diện nhất, cần ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp điều chỉnh tất cả các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, bạo loạn, địch họa…

Có thể xếp các vấn đề đó thành các nhóm sau: các biện pháp hạn chế (như cách ly, cấm/hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, cửa hàng, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người); các biện pháp hỗ trợ về tài chính như đấu thầu, miễn, giảm thuế, cạnh tranh (nới lỏng các điều kiện, giảm các thủ tục hành chính); các biện pháp y tế như xét nghiệm, truy vết, điều trị, tiêm vắc-xin; các biện pháp hỗ trợ về xã hội, việc làm như trợ cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gặp khó khăn trong đại dịch.

Trong số các nội dung, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch, tạo cơ sở nền tảng thống nhất để tránh tình trạng chia cắt, phân mảnh như khá nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ cần được trao thẩm quyền mạnh để có thể ứng phó nhanh, linh hoạt, tập trung, kiểm soát tình hình trên cả nước và đảm bảo thực hiện thống nhất ở tất cả các địa phương. Bên cạnh đó, cần kèm theo những quy định kiểm tra, giám sát để kiểm soát, phòng ngừa những hành động trái quy định.

Đặc biệt, các luật cần quy định rõ ràng, cụ thể, trong trường hợp nào thì áp dụng biện pháp ở cấp độ nào. Chẳng hạn, lúc nào chỉ cần công bố dịch ở từng tỉnh, theo khu vực, trên toàn quốc; lúc nào ban bố tình trạng khẩn cấp ở một tỉnh, theo khu vực, trên toàn quốc; thẩm quyền áp dụng các biện pháp đó trong từng trường hợp cụ thể. Điều này nhằm tránh tình trạng như thời gian qua, có những tỉnh chỉ có một hoặc vài ca F0, nhưng đã ban hành văn bản áp dụng giãn cách toàn xã hội, không cần thiết, kéo theo chi phí lớn cho tất cả các bên.

Sửa đổi, bổ sung thế nào?

Tại phiên thảo luận chiều 21/7, có đại biểu Quốc hội đề nghị, từ thực tế phòng, chống dịch Covid-19 trong một năm rưỡi qua, có thể đưa các biện pháp đã áp dụng theo Chỉ thị 15, 16, 19 và các nghị quyết của Chính phủ vào trong các luật có liên quan đến phòng, chống dịch.

Một đại biểu Quốc hội phát biểu, cần rà soát các luật, pháp lệnh có liên quan để ban hành một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật. Đại biểu Quốc hội khác nhấn mạnh, cần nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp thành Luật Tình trạng khẩn cấp trong vài năm tới.

Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp nói trên đã cho biết, Chính phủ “đã và đang làm hết sức mình”, sắp tới sẽ trình Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến phòng, chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, có thể có các phương án khác nhau để hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp. Một cách tổng thể, toàn diện nhất, cần ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp điều chỉnh tất cả các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, bạo loạn, địch họa; sửa đổi, bổ sung toàn bộ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan như Luật Dược, Luật Hải quan, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi nhiều thời gian, khó có thể kịp trình vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021.

Phương án khác khả thi hơn, có thể đáp ứng yêu cầu phản ứng nhanh, đó là ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp về y tế với các nội dung đã đề cập ở phần trên. Trong đó, một số nội dung được hoàn thiện từ Pháp lệnh khẩn cấp hiện hành; một số khác từ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và đưa các biện pháp hợp lý đã áp dụng thời gian qua vào luật này. Các nội dung khác không thuộc Luật Tình trạng khẩn cấp về y tế cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo phương thức một luật sửa nhiều luật như một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã đề xuất. Có thể quy định như rất nhiều nước, theo đó, tình trạng khẩn cấp về y tế chỉ được áp dụng trong thời hạn nhất định, ví dụ sau 2 năm, 1 năm, hay 6 tháng và Quốc hội có thể xem xét gia hạn hoặc rút ngắn tùy tình hình thực tế, ví dụ gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần 6 tháng.

Yêu cầu của thực tế không cho phép nền lập pháp chậm trễ hơn nữa. Cho đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021, mọi nội dung khác cần phải nhường bước cho việc sửa đổi, bổ sung khung pháp lý về phòng, chống dịch, nhất là trong tình trạng khẩn cấp như chống đại dịch Covid-19.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Quốc hội trao quyền đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống Covid- 19
Quốc hội khoá XV đã thông qua nghị quyết kỳ họp, trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid- 19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư