Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Cần công bằng giữa đại học công lập và ngoài công lập
D.Ngân - 15/08/2023 20:59
 
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh vai trò, đóng góp của hệ thống các trường ngoài công lập là rõ nét

Trường ngoài công lập còn thiệt thòi?

Tại buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với các trường đại học chiều ngày 15/8 nhiều ý kiến đã nêu lên sự bất bình đẳng trong chính sách giữa giáo dục đại học công lập và tư thục.

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

TS. Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khích lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, khen thưởng các giảng viên có bài báo xuất bản trên các tạp chí uy tín của thế giới.

Tuy nhiên, chính sách này không được áp dụng cho các trường đại học tư thục. Mong Bộ trưởng quan tâm thêm để khích lệ tinh thần của giảng viên các trường tư thục khi tham gia nghiên cứu khoa học.

Còn theo GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, các trường ngoài công lập đều có sự tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, thu hút nhân lực, những đầu tư nguồn lực trên đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong các nhà trường.

Kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học đã đáp ứng yêu cầu nền kinh tế. Chính phủ đã trao quyền tự chủ cao hơn cho giáo dục đại học. Dựa vào đó, các trường đã thực hiện tốt chương tình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.

Đặc biệt với những nhà trường được hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế, đã có sự đầu tư tập lớn tạo môi trường đào tạo, thực hành, nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với sản xuất, giúp sinh viên phát triển kỹ năng, thành công trong cuộc sống.

Tuy nhiên, hệ thống các trường ngoài công lập còn gặp khó khăn nhiều, lớn nhất là đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh các trường có sự đầu tư của các doanh nghiệp, thì còn nhiều trường gặp khó khăn, về chính sách tài chính, tài trợ, thi đua khen thương, vinh danh nhà giáo.... có phần thiệt thòi so với các trường công lập.

Từ thực tế trên, GS Phạm Thành Huy kiến nghị với Bộ trưởng và mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ ghi nhận sự đóng góp của các trường ngoài công lập, tiếp tục có điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập, trường ngoài công lập được tiếp cận với quỹ đất xây dựng, được ưu đãi về chính sách thuế.

Giảng viên trường ngoài công lập, có nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong đổi mới sáng tạo.

Trong hoạt đông nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cho phép giảng viên các trường ngoài công lập được phép tham gia đấu thấu các đề tại của Bộ.

Mong có chính sách động viên các nhà giáo được ghi nhận thành tích, tham gia vào hệ thống thi đua khen thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các chính sách liên quan đến danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú, các thầy cô tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập có đủ điều kiện tham gia, mong được xét công nhận các danh hiệu trên.

Với ý kiến của đại diện khối các trường ngoài công lập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm, lãnh đạo Bộ luôn đánh giá cao hệ thống các trường ngoài công lập; ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.

Với trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng mong với tiềm lực tốt về cơ sở vật chất, các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập, kể cả với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục đại học; trong đó có chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai, mặt bằng, địa điểm.

Về cơ chế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo có Đề án 89, đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học; không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Điều này cũng thể hiện quan điểm, sự nhìn nhận bình đẳng giữa 2 nhóm trường này.

Giáo dục đại học là động lực đổi mới, sáng tạo

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng, ai cũng hiểu, nhưng chúng ta vẫn cần nhắc lại điều này. Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc, trí tuệ, trình độ khoa học công nghệ và biểu hiện sở hữu nhân tài của đất nước.

Phát triển giáo dục đại học là bài toán khó, phức tạp, lâu dài. Giáo dục đại học đang chuyển đổi, từ cách thức quản trị, quản lý nhà nước, cho đến sử dụng nguồn lực, cơ cấu ngành nghề… Đại học là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, nhà khoa học đã khắc phục khó khăn, đóng góp vào phát triển giáo dục đại học; Bộ trưởng nhìn nhận, các nhà khoa học, chuyên gia là lực lượng giúp Bộ làm chính sách chiến lược mang tầm quốc gia.

Theo Bộ trưởng, quan tâm tới các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bộ đang từng bước làm mọi việc để phát triển nguồn lực này; đồng thời tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Ở thời điểm này, giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục đại học phát triển cả quy mô và chất lượng. Những năm gần đây, số lượng sinh viên tăng; số sinh viên nhập học tăng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng được cải thiện.

So với 10 năm trước, giáo dục đại học có bước phát triển dài. Song, so với yêu cầu của đất nước, tốc độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn thì chúng ta sẽ khó khăn để đạt đến đỉnh cao của chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm, trong đó cần hoàn thành quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh - hạt nhân nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần có sự cải thiện tài chính cho giáo dục đại học.

Về thể chế, bộ sẽ rà soát để hoàn thiện các văn bản quy pháp phạm luật để mở đường cho giáo dục đại học và tự chủ theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số… Qua đó cho thấy, còn nhiều công việc đang chờ phía trước.

Trong khuôn khổ của sự kiện, Bộ trưởng kỳ vọng các nhà giáo, nhà khoa học lưu ý làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, tự chủ đại học - vấn đề đang được quan tâm. Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, mà còn đến các giảng viên, nhà khoa học…

Thứ hai, hiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, vậy nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các nhà khoa học giỏi hơn nữa. Phát triển khoa học công nghệ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Dù rằng đây là sự phấn đấu của cá nhân, nhưng người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, cần cơ chế chính sách của các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ trưởng cũng mong muốn, nhà giáo nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm với sự nghiệp chung. Công bố quốc tế quan trọng nhưng cũng cần những công trình giải quyết những vấn đề nóng của đất nước.

Với câu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều việc phải làm, trong đó có cả những việc cần làm sớm nhưng cũng có những việc cần có thời gian.

Trước mắt, theo tư lệnh ngành Giáo dục, cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học. Các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia xây dựng Luật Nhà giáo - một dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.

Cuối cùng cũng là thông điệp mà Bộ trưởng muốn nhắn nhủ: "Chúng ta cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta".

Đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam qua góc nhìn của chuyên gia quốc tế
Tại hội thảo gần đây về tự chủ đại học, một chuyên gia nước ngoài đã phân tích khá đa chiều về đầu tư cho giáo dục đại học của Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư