Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần huy động nguồn lực tư nhân vào thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững
Ngọc Tân - 18/12/2018 23:23
 
Để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tổng nhu cầu vốn trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 sẽ cần phải huy động ngoài ngân sách nhà nước khoảng trên 32,3 tỷ USD. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết tại phiên thảo luận Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”, diễn ra vào ngày 18/12 tại TP Đà Nẵng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tại phiên thảo luận đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những thách thức và giải pháp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững; Nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững…Tham gia thảo luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đã góp ý và phân tích một số khó khăn thách thức khi triển khai các giải pháp thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững trên thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình.

Bà Hương phân tích: Hiện nay có một thực tế đó là khi triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thì quyết tâm chính trị của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương là rất lớn, nhưng khi triển khai về địa phương thì người được hưởng lợi nhận thức rất hạn chế về trách nhiệm của mình. Thứ hai, một số mục tiêu đặt ra với quyết tâm rất cao nhưng điều kiện đảm bảo thực hiện các mục tiêu chưa đủ, hoặc rất khó khăn để thực hiện được. Thứ ba, khi ban hành các mục tiêu lớn với tầm nhìn dài hạn, nhưng đến khi triển khai các mục tiêu cụ thể thì thời gian thực hiện được đặt ra rất ngắn, và không đủ thời gian triển khai thực hiện hiệu quả. Thứ tư, trong quá trình triển khai các giải pháp, các nguồn lực để thực hiện mục tiêu không có hoặc có nhưng rất là ít, hoặc không đầy đủ cho nên khi tiến hành kiểm tra thì phát hiện nguyên nhân (không đạt mục tiêu) khách quan lớn hơn nguyên nhân chủ quan.

" Hiện nay, một số các nhiệm vụ, giải pháp, phương pháp để thực hiện mục tiêu phù hợp với tầm vĩ mô hoặc ở tầm chung của một vài địa phương nhưng có thể sẽ không phù hợp với một số địa phương khác. Tuy vậy, rất khó để có thể thực hiện điều chỉnh lại nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp hoàn cảnh của các địa phương đó. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa có chế tài, hay một khung pháp lý đủ mạnh để có thể vừa chỉ đạo, vừa xử lý nhứng vẫn đề cụ thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu bền vững", bà Hương cho biết.

Tranh thủ nguồn lực ngoài ngân sách

Phát biểu tại phiên thảo luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững có hiệu quả, thời gian tới Chính phủ, các bộ ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững. Lòng ghép có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cũng như quy hoạch kế hoạch liên quan khác như tăng trưởng xanh, nông thôn mới, bình đẳng giới, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy việc lòng ghép các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong giai đoạn trước với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các cấp ngành được xem là một cơ chế giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ. Chính vì vậy, trong Kế hoạch Hành động Quốc gia, Chính phủ cũng đã ban hành những quy định rất rõ về các yêu cầu lòng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đó là việc lòng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm; cũng như các chiến lược, chính sách phát triển của các bộ ngành, địa phương…

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết thêm, ước tính tổng nhu cầu vốn trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 sẽ cần phải huy động ngoài ngân sách nhà nước là khoảng trên 32,3 tỷ USD. Do đó, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách công thì cần tập trung huy động nguồn lực bên ngoài, đặc biệt nhấn mạnh đến khu vực tư nhân. Tạo điều kiện để cho tư nhân được cùng tham gia phát triển bền vững thông qua các cải cách thể chế và chính sách. Và bên cạnh các nguồn lực tài chính thì Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ của các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, về công nghệ, về tăng cường nhân lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

“Chúng ta cần huy động sự tham gia nguồn lực của các bên liên quan. Cần đẩy mạnh và phát huy sự chủ động sự tham gia của các bên liên quan, từ các bộ ngành, đến các địa phương, đến các tổ chức chính trị xã hội, cũng như các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phá triển, các khu vực tư nhân đển thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tạo lập cơ chế huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nguồn lực tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn…

Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đây là nhiệm vụ chung của toàn bộ cả hệ thống chính trị, chứ không phải là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tổ chức …Do vậy, chúng ta phải tăng cường các mối quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau, như tiêu chí của chương trình mục tiêu phát triển bền vững”,Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Tham dự phiên thảo luận, ông Martin Chungong,Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng đưa ra góp ý, trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cần có nhiều giải pháp để người dân có thể tham gia vào các mục tiêu, thu hút hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân để tận dụng được nhiều nguồn vốn cho Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đồng thời, trong việc thực hiện các giải pháp để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững, Việt Nam cần phải tiếp tục xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường tại nơi xa xôi hẻo lánh, ở những khu vực dân cư nghèo đói, chăm sóc đặc biệt nhóm người yếu thế; cũng như cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để xử lý các thách thức mà Việt Nam đối mặt….

Việt Nam tự tin sẽ đạt được và hoàn thành trước nhiều mục tiêu phát triển bền vững
Xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư