Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Cân nhắc kỹ điều kiện về chỗ ở khi đăng ký thường trú
Nguyễn Lê - 20/08/2020 12:32
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số vấn đề tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
TIN LIÊN QUAN
.
Tăng dân số cơ học quá nhanh là vấn đề khiến Hà Nội lo ngại - Ảnh QP 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ về việc quy định các điều kiện đăng ký thường trú, nhất là đối với người đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 (tháng 8/2020), trong đó có những lưu ý về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Làm rõ sự cần thiết quy định diện tích chỗ ở

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp giữa năm nay, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới đây, với một trong các thay đổi lớn là bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Pháp luật, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nên thực chất đối với thành phố trực thuộc trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú.

Cụ thể, điều 21 dự thảo luật quy định một trong những điều kiện công dân phải đáp ứng được khi đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân về chỗ ở theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy định này, theo phân tích của cơ quan thẩm tra dự án luật là có thể tạo ra sự khác nhau giữa các địa phương về điều kiện đăng ký thường trú và tuy là nhằm bảo đảm cho người đăng ký thường trú có được điều kiện về không gian sống cần thiết nhưng thực tế áp dụng tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua cho thấy đối tượng đăng ký thường trú theo trường hợp này không nhiều mà chủ yếu lại đăng ký theo diện sở hữu nhà hoặc chuyển về ở cùng người thân thì lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích chỗ ở.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần làm rõ sự cần thiết của việc giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về diện tích bình quân về chỗ ở làm điều kiện cho việc đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hạn chế việc sử dụng các điều kiện để làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền cư trú của công dân.

Việc xử lý các vấn đề về tăng dân số cơ học quá nhanh tại các đô thị vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật đô thị và năng lực quản lý của chính quyền, gây áp lực cho hệ thống y tế, giáo dục cần được nghiên cứu, giải quyết một cách tổng thể thông qua các giải pháp về quy hoạch, về chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội thay cho các biện pháp có tính hành chính, mệnh lệnh, kết luận nêu rõ.

Trước 1/7/2021 phải cấp xong số định danh cá nhân

Một chính sách lớn của lần sửa đổi này là bỏ hộ khẩu giấy, với điều kiện phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 01/7/2021 là thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật thì còn khá nhiều ý kiến lo ngại về việc bảo đảm thực hiện các điều kiện nói trên bởi đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư ; một số phiếu đã thu thập nhưng còn sai sót, thiếu thông tin, hoặc chưa đạt yêu cầu.

Sau phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo quyết liệt Bộ Công an, các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp để hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân, xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, tổ chức kết nối các cơ sở dữ liệu có liên quan, trong đó có việc bố trí ngân sách, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú… trước ngày 01/7/2021. Việc này nhằm bảo đảm tính khả thi và để Luật có hiệu lực thi hành theo đúng thời điểm mà Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất, cam kết với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh phải điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan tích cực triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tránh gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự khi chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư