Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp FDI kinh doanh du lịch lữ hành
Hữu Tuấn - 07/11/2016 16:49
 
Vẫn còn 2 luồng ý kiến về việc có hay không cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được phép kinh doanh lữ hành tại Việt Nam.

Theo Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Điều 41 quy định : "Nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh lữ hành tại Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam  thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Việt Nam theo cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập".

Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội chiều 7/11/2016 đã "đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này".

Theo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đa số ý kiến cho rằng quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật đầu tư, không phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế.

"Một số ý kiến khác lại thống nhất với quy định như Dự thảo vì trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay cần phải có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam", ông Phan Thanh Bình cho biết.

 cho phép doanh nghiệp FDI kinh doanh du lịch lữ hành
Có 2 luồng ý kiến xung quanh việc Nhà đầu tư nước ngoài có được phép kinh doanh lữ hành tại Việt Nam hay không?

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số nội dung như:
Về các loại hình kinh doanh lữ hành, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo phân chia kinh doanh lữ hành thành 03 loại: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành, Dự thảo quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản, chưa đáp ứng được tính đặc thù, phức tạp của dịch vụ lữ hành. Quy định như vậy sẽ dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tràn lan, không kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).

Về địa điểm kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về địa điểm kinh doanh trong dự thảo. Nếu địa điểm kinh doanh là trụ sở doanh nghiệp thì quy định này là không cần thiết (vì phải có trụ sở thì mới được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Chương II, Luật doanh nghiệp 2014), còn nếu là địa điểm tiến hành kinh doanh thì quy định này là cứng nhắc, ảnh hưởng đến tính chủ động của doanh nghiệp.

Theo đó, cần xem lại quy định về giấy tờ chứng minh có địa điểm kinh doanh phù hợp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Khái niệm “phù hợp” mang tính chất định tính, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi áp dụng vào thực tiễn.

Kinh doanh du lịch: Vỡ mộng chuỗi cung ứng khép kín
Việc các công ty dịch vụ du lịch bắt tay với đối tác nhằm hình thành chuỗi cung ứng khép kín, gia tăng cạnh tranh là xu hướng không mới và đã cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư