Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cân nhắc việc kéo dài đường cất hạ cánh tại sân bay Quảng Trị
Anh Minh - 15/09/2022 16:29
 
Quy mô đường cất hạ cánh đang được quy hoạch với kích thước 2.400m x 45m được đánh giá là vẫn phù hợp với nhu cầu khai thác trong tương lai của sân bay Quảng Trị.
Phối cảnh sân bay Quảng Trị.
Phối cảnh sân bay Quảng Trị.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị phản hồi về đề nghị mới đây của tỉnh này về việc kéo dài đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quảng Trị.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021.

Cụ thể, Cảng hàng không Quảng Trị được xác định vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng là cảng hàng không nội địa; giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm, xây dựng đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45m đáp ứng khai thác các dòng tàu bay Code C như A320, A321 và tương đương.

Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị cũng đã dự trữ quỹ đất để có thể kéo dài đường cất hạ cánh với kích thước khoảng 3.048m x 45m về phía đầu 4 của đường cất hạ cánh khi có nhu cầu.

Hiện nay, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 với quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Bộ GTVT cho rằng, với kích thước 2.400m x 45m, đường cất hạ cánh của Cảng hàng không Quảng Trị hoàn toàn có thể đáp ứng cho các loại máy bay tầm trung (A320, A321) khai thác các đường bay có bán kính khoảng 5.000÷7.000 km, bao phủ toàn bộ các nước trong khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Nam Á (Ấn Độ...).

Việc kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.048m như đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị chủ yếu phục vụ cho các loại tàu bay Code E (như B777, B787, A350) khai thác các đường bay dài trên 10.000km đến khu vực châu Âu, Bắc Mỹ.

Để có cơ sở nghiên cứu phương án đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị rà soát, nghiên cứu, đánh giá, bổ sung các số liệu nhu cầu vận tải về hành khách, hàng hóa phục vụ khai thác các dòng tàu bay Code E.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc kéo dài đường cất hạ cánh dẫn tới phải điều chỉnh quy mô cấp sân bay từ 4C lên 4E và sẽ cần phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh: Hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.

“Các thủ tục điều chỉnh nêu trên mất nhiều thời gian, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn thành đưa Cảng hàng không Quảng Trị vào khai thác. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, tiếp tục triển khai Dự án theo quy hoạch và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Phương án kéo dài đường cất hạ cánh nên được nghiên cứu tại thời điểm phù hợp”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo Quyết định 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai,  huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Quy mô dự án theo quy hoạch: Cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch là 01 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác code C hoặc tương đương. CHK có 05 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).

Đề xuất chuyển 38,2 ha đất lúa sang đất xây dựng Sân bay Quảng Trị
Toàn bộ diện tích đất trồng lúa rộng 38,2 ha dự kiến chuyển đổi mục đích để xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đều thuộc huyện Gio Linh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư