Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Cần nhiều quyết sách mới, động lực mới để tăng tốc, bứt phá
Nguyễn Lê - 30/10/2023 22:13
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi âm ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về tăng trưởng, đầu tư công.
.
Cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng;

Theo chương trình Kỳ họp thứ sáu, từ chiều 31/10 đến hết 1/11 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế, xã hội năm 2023 và giữa nhiệm kỳ.

Trước đó, nội dung này đã được thảo luân tại tổ vào sáng 24/10, một số vị đại biểu đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân đối với 5/15 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2023 dự kiến không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng.

Gửi các vị đại biểu báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tăng trưởng năm 2023 dự báo đạt khoảng trên 5%, là mức khá cao so với nhiều quốc gia như Thái Lan (dự báo đạt 2,7%), Indonesia (5%), Malaysia (3,9%), Singapore (1,2%)…

Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi kéo dài từ bối cảnh, tình hình của thế giới, khu vực đã tác động lớn đến doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các chuỗi cung ứng hàng hóa, xuất khẩu, đầu tư tư nhân… khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta thấp hơn mục tiêu đề ra. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng, gồm: chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP (ước năm 2023 khoảng 24,1-24,3%, không đạt mục tiêu đề ra 25,4-25,8% GDP); GDP bình quân đầu người (ước năm 2023 khoảng 4.316 - 4.364 USD/người, thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4.400 USD).

Nguyên nhân do cả các yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu là do nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ kinh tế toàn cầu sụt giảm, tổng cầu yếu và thiếu đơn hàng sản xuất. Các động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn.

Các ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 , trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,98%  do thiếu đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm như điện tử, dệt may, gia dày…

Tăng trưởng thấp dẫn tới quy mô của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt như kỳ vọng. Đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế thấp đồng nghĩa với tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Mặc dù các chỉ tiêu nêu trên không đạt mục tiêu đề ra, nhưng với những khó khăn, bất lợi từ cả bên trong lẫn bên ngoài đối với nền kinh tế, những kết quả đạt được là đáng khích lệ. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo đạt khoảng trên 5% thuộc nhóm cao nhất thế giới, là nền tảng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, theo báo cáo của Bộ trưởng. 

Thảo luận tại tổ, các vị đại biểu cũng đề nghị đánh giá đầy đủ tác động từ bên ngoài tới các chỉ tiêu phát triển KTXH trong các năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh tác động từ bên ngoài, còn có khó khăn, yếu kém nội tại không thể sớm khắc phục; khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp về trình độ phát triển với thế giới, khu vực tiếp tục là thách thức lớn nếu không có sự đột phá mạnh mẽ. Tốc độ già hoá dân số nhanh, chênh lệch giàu-nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, khó dự báo hơn…

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,25%, 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%, để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm đã đề ra, áp lực đặt ra đối với các năm còn lại là tương đối nặng nề và thách thức, Bộ trưởng nhìn nhận.

Áp lực trên, theo Bộ trưởng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của các ngành, các cấp; cần phải có nhiều quyết sách mới, tìm ra nhiều động lực, cơ hội mới để tăng tốc, bứt phá như: đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông quan trọng giúp mở rộng không gian phát triển; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tranh thủ cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút các dự án FDI quy mô lớn; nghiên cứu và phát triển nhiều ngành công nghiệp mới, vật liệu mới như chip, chất bán dẫn, hydrogen…

Chính phủ dự kiến đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 trên 5%, tức Quý IV/2023 cần tăng trưởng 7%, tăng trưởng cả năm trên 5,5% thì Quý IV/2023 cần tăng trưởng 8%, đây là mục tiêu đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đề nghị cân nhắc, dự báo sát tình hình để có giải pháp cụ thể, cũng là ý kiến được Bộ trưởng hồi âm.

Theo đó, kinh tế toàn cầu năm 2023 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ khả quan hơn so với đầu năm do nhận định tăng trưởng 6 tháng cuối năm tích cực hơn nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1 đến 1,0 điểm phần trăm.

Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, có nhiều tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023 và đánh giá các khó khăn, thuận lợi trong những tháng cuối năm, dù mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 khoảng trên 5% là tương đối khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Với đề nghị làm rõ cơ sở để đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2024, căn cứ vào mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 6,0-6,5% đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được rà soát nhiều vòng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thông qua. Căn cứ kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, trong đó dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6,0 - 6,5%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư