Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cần Thơ lấp “khoảng trống” về thu hút đầu tư
Trúc Giang - 29/01/2017 10:46
 
TP. Cần Thơ từ lâu được xem là “thủ phủ” của miền Tây, có nhiều tiềm năng, nhưng thu hút đầu tư, nhất là FDI còn rất khiêm tốn, thậm chí thấp hơn cả những tỉnh “em út” trong vùng. Nhưng tình hình đã có nhiều thay đổi trong năm 2016…
TIN LIÊN QUAN

Nửa cuối năm 2016, TP. Cần Thơ liên tiếp đón các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. Trong đó, mới đây nhất, Korea Land & Housing Corporation (Hàn Quốc) bày tỏ mối quan tâm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại quận Cái Răng với quy mô 500 ha.

Trước đó, ngày 8/11, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có công văn gửi UBND TP. Cần Thơ đăng ký địa điểm và nhu cầu sử dụng đất cho 2 dự án mà VEAM dự kiến triển khai đầu tư gồm: Khu trưng bày sản phẩm tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng có diện tích 7.863 m2 và Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Khu công nghiệp BMC - Hưng Phú 2A, phường Phú Thứ, quận Cái Răng có diện tích 2,15 ha.

Dự án triển khai tại Cần Thơ là Dự án lớn thứ tư của Tập đoàn Taekwang tại Việt Nam.
Dự án triển khai tại Cần Thơ là dự án lớn thứ tư của Tập đoàn Taekwang tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực logistics, vốn được xem là “khoảng trống” của TP. Cần Thơ, cùng lúc có nhiều doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư khiến địa phương bối rối, không biết chọn nhà đầu tư nào, bởi số lượng nhà đầu tư thì nhiều, diện tích đất đề xuất thì lớn, trong khi TP. Cần Thơ chỉ được Chính phủ phê duyệt khu đất 70 ha tại Khu đô thị công nghiệp Cái Răng để xây dựng trung tâm logistics.

Cuối tháng 9/2016, Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đã làm lễ động thổ Dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao tại Khu công nghiệp Hưng Phú 2 B (quận Cái Răng) có quy mô 62 ha. Trong đó, diện tích sử dụng cho nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày là 52 ha, diện tích còn lại để xây dựng khu dịch vụ, thương mại, nhà kho cho thuê, tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại TP. Cần Thơ từ trước đến nay.

Trước kia, điều làm cho các nhà đầu tư ngại đổ vốn vào Cần Thơ là những hạn chế về kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố chưa được khắc phục triệt để. Nhưng nay, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của địa phương, hạn chế này đang dần được khắc phục.

Về đường bộ, Quốc lộ Nam sông Hậu đã kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu giữa các khu công nghiệp tại quận Cái Răng với trung tâm TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận. Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91 từ trung tâm TP. Cần Thơ đi quận Thốt Nốt đã rút ngắn thời gian đi lại giữa Khu công nghiệp Thốt Nốt (TP. Long Xuyên) với trung tâm TP. Cần Thơ.

Đặc biệt, trong tháng 12/2016, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khai trương Cảng Tân Cảng - Cái Cui giai đoạn I tại quận Cái Răng với tổng diện tích hơn 7 ha, chiều dài cầu tàu 180 m, mớn nước trước bến - 8,5m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn. Đây là cảng container chuyên dụng, đang làm thay đổi dần tập quán hàng rời sang hàng container. Cảng có 6.000 m2 kho, được trang bị các phương tiện xếp dỡ hiện đại cho cả hàng container và các loại hàng rời, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của các hãng tàu và phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, việc khai trương Tân Cảng - Cái Cui cũng như luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào các cảng trên sông Hậu được khai thông đã phá thế “thắt cổ chai” - từ lâu làm hạn chế hoạt động vận chuyển xuất, nhập khẩu trực tiếp hàng hóa của TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến năm 2017, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ (đi ngang qua Khu công nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), hoàn thành sẽ mở ra triển vọng lớn cho Khu công nghiệp Thốt Nốt trong thu hút đầu tư. Song song đó là tuyến đường cao tốc nối từ TP.HCM qua TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), đi TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đang được thi công, trong tương lai gần sẽ hình thành trục giao thông liên hoàn kết nối Khu công nghiệp Thốt Nốt với Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia.

“Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư”, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư