Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cần xử lý sự chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra
Mạnh Bôn - 12/07/2022 09:34
 
Cho ý kiến vào Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số hoạt động thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo.

Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về hoạt động thanh tra, kiểm toán, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước) khẳng định, sẽ chấm dứt tình trạng chồng chéo, trùng lặp.

TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước)


Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các cơ quan thanh tra với Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Thưa ông, thực tế có phải như vậy không?

Để trả lời có trùng hay không trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán phải xuất phát từ chức năng của từng cơ quan theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Thanh tra, “cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Trong khi đó, Luật KTNN quy định, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy, Thanh tra Chính phủ và KTNN là 2 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thanh tra thực hiện chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng…, trong khi KTNN thực hiện kiểm toán, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của các số liệu, báo cáo và các thông tin liên quan đến quản lý tài chính công và tài sản công. Thông tin đánh giá xác nhận, kết luận, kiến nghị của KTNN được công khai theo quy định của pháp luật, còn nhiều kết luận của Thanh tra Chính phủ không bắt buộc phải công khai.

Về pháp luật thì không có sự trùng lặp, nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra, kiểm toán cho rằng vẫn có sự trùng lặp?

Có sự trùng lặp, theo tôi, xuất pháp từ một số lý do.

Thứ nhất, do quan niệm chưa đầy đủ về chức năng của Thanh tra và KTNN, vì trong một thời gian dài, ở Việt Nam chỉ có hoạt động thanh tra, mà không có khái niệm về kiểm toán. Kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng là công cụ của nền kinh tế thị trường mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 1990. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế, xây dựng các công cụ của kinh tế thị trường, thành lập cơ quan KTNN, nhưng rất nhiều người vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán, vì thế khi có bất cứ “đoàn” nào đến làm việc thì đều “quy về” thanh tra, kiểm tra và cho là chồng chéo, trùng lặp.

Thứ hai, trong thực tế vận hành pháp luật, có những quy định chưa thực sự được tôn trọng hoặc không sử dụng thông tin của KTNN. Chẳng hạn, công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại một cơ quan, đơn vị đã được kiểm toán thì các cơ quan khác sẽ sử dụng, kể cả cơ quan thanh tra, mà không nhất thiết phải thanh tra lại. Tất nhiên, KTNN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của báo cáo kiểm toán.

Thứ ba, trong hoạt động thanh tra có hoạt động thanh tra thường xuyên. Theo chúng tôi, đây là sự trùng lặp lớn nhất. Khi hoạt động thanh tra thường xuyên sẽ dẫn đến việc xác nhận đúng, sai và dẫn đến giữa KTNN và thanh tra có chung mục đích là xác nhận, đánh giá.

Như vậy, rõ ràng là vẫn có sự trùng lặp, thưa ông?

Để khắc phục điều này, Luật KTNN sửa đổi năm 2019 đã quy định, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Cơ quan thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.

Thực tế cho cho thấy, Thanh tra Chính phủ và KTNN khi xây dựng kế hoạch hàng năm chưa để xảy ra trường hợp không thống nhất với nhau. Khi gặp các vấn đề có tính trùng lặp, giữa 2 cơ quan có sự trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng trước khi ban hành kế hoạch kiểm toán năm, nhằm đảm bảo tính nhất quán, không trùng lặp, chồng chéo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Hiện nay, sự chồng chéo, trùng lặp chủ yếu là của thanh tra chuyên ngành, thanh tra các địa phương. Theo tôi, đây là vấn đề cần xem xét khi sửa đổi Luật Thanh tra.

Nhằm xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định, hai cơ quan thỏa thuận, trao đổi với nhau, nếu không thỏa thuận được thì cơ quan nào đến trước sẽ tiếp tục tiến hành. Ông có cho rằng, quy định này sẽ xử lý được căn cốt vấn đề?

Tôi cho rằng, nếu quy định như vậy cũng cần xem xét lại, bởi đây không phải là chuyện ai đến trước, đến sau, mà chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan như thế nào. Đây là vấn đề cần xét trong tổng thể bộ máy nhà nước với chức năng nhiệm vụ rõ ràng, mỗi cơ quan có chức năng riêng và trao đổi thông tin nếu có liên quan đến nhau, không thể thiết chế theo kiểu ai đến trước, ai đến sau như vậy.

Với quan điểm cá nhân, theo ông, Luật Thanh tra cần phải sửa đổi quy định trên thế nào để tránh việc ưu tiên cho người đến trước?

Tôi cho rằng, các nhà lập pháp nghiên cứu kỹ Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN. Cụ thể, theo Quy chế phối hợp, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo về nội dung và thời gian tại cùng một đơn vị, thì KTNN phối hợp Thanh tra Chính phủ xử lý theo nguyên tắc cơ quan ban hành quyết định tranh tra, kiểm toán trước thì tiếp tục thực hiện. Ở đây lưu ý là ban hành quyết định trước và sau, chứ không phải đến trước, đến sau.

Ngoài ra, để tránh trường hợp cả thanh tra, kiểm toán cùng vào một đơn vị, cần phải quy định trong Luật Thanh tra: “Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi thống nhất giữa Tổng thanh tra Chính phủ và Tổng KTNN, thực hiện nguyên tắc: một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán”. Quy định như vậy để tránh sự chồng chéo, trùng lặp nếu có giữa 2 cơ quan vì một nội dung, một tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chỉ có thể là đối tượng của thanh tra hoặc kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2021 đến ngày 30/9/2021, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư