Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng
Thanh Chung - 03/11/2024 09:29
 
Có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư.

Chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa

Cảng Dung Quất là cảng biển loại I quốc gia, diện tích hơn 1.000 ha, độ sâu 21 m và không phụ thuộc vào thủy triều, đây là lợi thế lớn để tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, lượng hàng hóa nhập, xuất qua cảng Dung Quất không nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hệ thống logistics chỉ mới đảm nhận được một số khâu cơ bản, chưa đảm nhận được vai trò là trung tâm tiếp nhận, bảo quản, phân phối hàng hóa. Mặt khác, hạ tầng luồng hàng hải còn hạn chế, luồng tàu hẹp, độ sâu hạn chế, trong khi đó, trọng tải tàu đi/đến cảng ngày càng lớn.

“Hầu như, tất cả các cảng đều có tình trạng chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô yêu cầu của cầu bến, do vậy không hấp dẫn được chủ hàng, chủ tàu, hạn chế rất lớn tới năng lực của hệ thống cảng”, ông Phong chia sẻ.

Theo Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, với mục tiêu trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại. Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư, đến nay, mới chỉ có 8 bến cảng đưa vào hoạt động, 6 bến cảng còn lại trong quy hoạch vẫn “nằm trên giấy”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, ngoài nhóm bến cảng đang hoạt động sôi động như bến cảng của Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí, bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Gemadept, bến cảng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi…, thì phần còn lại của một số bến cảng trong quy hoạch vẫn hoang vắng, nhiều nơi chưa giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bến cảng tại Dung Quất chia sẻ, có nguyên nhân khách quan là hàng container xuất nhập khẩu trong tỉnh Quảng Ngãi chưa nhiều, nên các hãng tàu chưa thể mở được tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế. Do đó, để bốc dỡ hàng hóa, doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh, bị gia tăng chi phí vận chuyển.

“Cảng biển Quảng Ngãi nói chung và cảng biển Dung Quất nói riêng chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu xuất và nhập hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sẽ là trở ngại lớn đối với sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Phong thẳng thắn nhìn nhận.

Cần đầu tư xứng tầm

Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Trịnh, đại diện Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát cho biết, cảng biển Dung Quất thiếu năng lực, hiện trạng các cầu cảng ở đây không đáp ứng được trọng tải hàng hóa.

“Cảng Dung Quất cần đầu tư thêm bến cảng, mở rộng các bến số 4, 5, mở đường cho tàu container vào tiếp nhận hàng. Cùng với đó, phải đầu tư kho bãi, nâng cấp hạ tầng giao thông hơn nữa, thì mới tạo ra cơ hội phát triển”, ông Trịnh bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, ông Trịnh thông tin, Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cầu cảng số 8 và dự kiến đến năm 2026, cầu cảng này có thể đưa vào hoạt động, góp phần cải thiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phong chỉ ra lý do cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng là do nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư. Theo ông, hiện nay, hạ tầng kết nối của Quảng Ngãi cơ bản đảm bảo lưu thông, nhưng để ngành logistics phát triển thì cần đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn quan trọng.

Cụ thể, cần sớm hoàn thành nút giao Trì Bình - Dung Quất thuộc Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đầu tư Quốc lộ 24 kết nối từ Kon Tum về cảng Dung Quất, mở rộng Quốc lộ 24C nối Quốc lộ 1, sớm đầu tư đường cao tốc CT22 từ cảng Dung Quất đi cửa khẩu Bờ Y và cửa khẩu quốc tế Nam Giang...

“Nếu đầu tư hạ tầng kết nối được như vậy, thì lượng hàng hóa mới tập trung về cảng Dung Quất nhiều hơn và khai thác triệt để cảng biển Dung Quất, từng bước hướng đến trung tâm vận chuyển hàng hóa của khu vực. Để phát triển logistics, phải đáp ứng vận chuyển vận tải hàng hóa nhanh nhất và giá thành rẻ nhất, do đó, rất cần Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn trên”, ông Phong nói.

Ngoài việc bố trí khoảng 100 ha để làm kho bãi, ông Phong cho hay, Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng logistics tại Dung Quất. Tuy nhiên, do có sự thay đổi luật, nên công tác lựa chọn nhà đầu tư, bồi thường mặt bằng kéo dài, dẫn đến các khu bãi hàng thực hiện chậm.

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu, Quảng Ngãi cần dành nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ; tăng cường đầu tư vào phát triển hậu cần, trong đó, khai thác triệt để lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, cảng hàng không Chu Lai để xây dựng nơi đây trở thành trung tâm logistics của cả vùng.

Quảng Ngãi rà soát, hoàn thiện loạt đồ án quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất
Quảng Ngãi đang rà soát, hoàn thiện loat đồ án quy hoach, đảm bảo phù hợp Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư