Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Cảnh báo lừa đảo bán thực phẩm chức năng
D.Ngân - 08/02/2024 12:10
 
Mới đây, một bác sĩ chuyên ngành ký sinh trùng đã lên tiếng về việc bị mạo danh bán thuốc trên mạng.

TS.Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, ông nhận được điện thoại của một số người hỏi có phải bác sĩ quảng cáo thuốc ecoclean trên mạng không.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên theo lời bác sĩ, ông không làm việc đó, ông bị lạm dụng hình ảnh. Họ lấy hình ảnh của ông cách đây 20 năm đưa vào quảng cáo bán thuốc ký sinh trùng, miêu tả bằng bài viết mà ông không trả lời như vậy.

Còn theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các đối tượng giả mạo thường khẳng định mời được thầy thuốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh; trực tiếp liên lạc giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân (vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm, tiêm thuốc, truyền dịch...)

Nhiều trường hợp mạo danh còn tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch. Điển hình như áp dụng “liệu pháp chữa lành tự nhiên” trong một cuốn sách, không cần các phương pháp y học hiện đại.

Bên cạnh sự “bùng nổ” các trang mạng xã hội mạo danh (trên Facebook, Tiktok, Zalo…), nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Cá biệt có đối tượng còn lập một đoàn người giả danh Bệnh viện trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh tại các địa bàn ở một số tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai.

Nghiêm trọng hơn, Công an tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang triệt phá 2 đường dây tội phạm chuyên giả danh bác sĩ nổi tiếng, giả danh giám đốc bệnh viện trung ương để lừa đảo bán thực phẩm chức năng lên tới hàng tỷ đồng.

Trước vấn nạn nhức nhối này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo TS.Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thủ đoạn của các đối tượng là livestream mặc quân phục, mặc áo bác sĩ, giới thiệu đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, đưa ra bằng chứng giả mạo để người dân tin.

Đối tượng còn trực tiếp điện thoại đến người bệnh, đặc biệt người cao tuổi để giới thiệu, tư vấn thuốc, kèm theo thủ đoạn đe dọa về sức khoẻ và dẫn dắt người bệnh tin, bỏ số tiền lớn để mua những liều điều trị của đối tượng giả mạo.

Vì tin vào đối tượng giả mạo, nhiều người tiêu dùng đã phải chi khoản tiền rất lớn, đến hàng trăm triệu đồng để mua thực phẩm chức năng, có người ngoài khả năng chi trả phải vay mượn.

Bên cạnh thiệt hại về kinh tế thì thiệt hại về sức khoẻ và tính mạng là vô cùng nguy hiểm. Người tiêu dùng khi sử dụng những thực phẩm chức năng này không những không khỏi được bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm lỡ cơ hội chữa bệnh.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Bà Nga cho biết, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn quảng cáo giả mạo cũng như cung cấp những nguồn tin có giá trị cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý hình sự.

Đồng thời, Cục phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương để kiểm soát các website thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các website vi phạm.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này đã trực tiếp làm việc với đại lý quảng cáo, facebook để đưa ra những yêu cầu về phía Việt Nam liên quan đến việc phát hành thông tin quảng cáo không đúng sự thật trên facebook. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo trên website của Cục An toàn thực phẩm những quảng cáo sai phạm, thông tin giả mạo để người tiêu dùng biết và nhận diện, tránh bị mắc lừa. Sự phối hợp này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể.

Để ngăn chặn các các đối tượng giả mạo đang tăng cao trong dịp Tết, thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành để xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó có xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo tới người tiêu dùng, không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Người dân nên chọn mua các thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

“Thổi giá” thực phẩm chức năng gấp 100 lần, cặp vợ chồng thu lợi 75 tỷ đồng
Công an tỉnh Bắc Giang tạm giữ vợ chồng Đặng Văn Thắng và Nguyễn Thị Hiền và 20 đồng phạm để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư