Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cảnh báo mua thiết bị đo nồng độ oxy "kẹp tay" trôi nổi trên Internet
Tú Ân - 24/08/2021 11:44
 
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo về việc nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để bán các sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà trên mạng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo và bán các thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà.Các thiết bị này bao gồm các loại máy thở, các loại thuốc, các loại thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu SpO2… với giá từ rất “bèo”, chỉ vài chục nghìn đến vài triệu đồng/sản phẩm với mô tả “có thể dùng để đo chỉ số ô xy trong máu tại nhà”.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chỉ rõ, các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter và thường cho kết quả không chính xác.

Máy
Thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu SpO2 được rao bán tràn lan trên mạng Internet.

Theo phản ánh, các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo phản ánh trên các trang mạng xã hội, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng/sản phẩm đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch.

SpO2 chỉ là một trong những chỉ số giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai lệch rất tai hại.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng.

Chuyên gia nói gì về việc người dân mua "tích trữ" máy tạo ô-xy?
Theo một số chuyên gia y tế, người dân không nên đổ xô mua đi mua máy ô-xy thời điểm hiện tại do không cần thiết và người dân cũng không đủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư