Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia nói gì về việc người dân mua "tích trữ" máy tạo ô-xy?
D.Ngân - 17/07/2021 17:11
 
Theo một số chuyên gia y tế, người dân không nên đổ xô mua đi mua máy ô-xy thời điểm hiện tại do không cần thiết và người dân cũng không đủ chuyên môn để sử dụng.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết hiện nhu cầu mua máy tạo ô-xy của người dân một số tỉnh phía Nam tăng cao, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng. 

Dịch Covid-19 tại Hà Nội đang có dấu hiệu phức tạp.

Tại các cửa hàng thiết bị y tế hay một số sàn thương mại điện tử các gian hàng cung cấp thiết bị y tế online đều báo hết hàng. Được biết giá của sản phẩm này thấp nhất từ 7 đến 10 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng.

Trước thực trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, máy tạo ô-xy là một nguồn ô-xy y tế để điều trị suy hô hấp với liệu pháp ô-xy dài ngày. 

Với Covid-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được điều trị tại nhà với bệnh nhân không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. 

Khi đã phải dùng đến máy tạo ô-xy tức là khi bệnh nhân đã nặng cần phải vào cơ sở y tế, không thể điều trị tại nhà, vậy người dân mua máy tạo ô-xy tích trữ không có tác dụng mà chỉ gây ra khủng hoảng trên thị trường và xã hội.

Chuyên gia cũng cảnh báo máy tạo ô-xy không gây tác hại gì cho sức khoẻ. Tuy nhiên, người dân không đủ chuyên môn để sử dụng, không đủ kiến thức về sức khoẻ, về căn bệnh Covid-19 tự ý sử dụng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chính sức khoẻ của bản thân.

Còn theo ý kiến của ông Khổng Minh Tuấn, Giám đốc CDC Hà Nội, hiện nay có một thiết bị là máy đo độ bão hòa ô-xy trong máu, chi phí cho thiết bị này chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Người dân có thể mua thiết bị này để đo, nếu thấy độ ô-xy trong máu giảm tức là bệnh có triệu chứng nặng lên, khi đó sẽ phải vào bệnh viện.

Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Nam theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, người dân không chủ quan khi đã tiêm vắc-xin, cần nghiêm túc thực hiện 5K, không thể coi SARS-CoV-2 như cúm mùa.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của nước ta hiện mới đạt hơn 4% dân số. Như vậy hầu hết người dân nước ta chưa có miễn dịch với SARS-CoV-2.

Do đó nếu ngừng phong tỏa hay không thực hiện giãn cách xã hội ở những vùng có dịch, để dịch lây lan rộng trong cộng đồng sẽ dẫn tới tình trạng không được kiểm soát, khi số mắc lớn sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện. 

Hiện tại, Chính phủ đang nỗ lực trong việc tiếp cận mua, tiếp nhận viện trợ và nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước với mục đích càng sớm càng tốt có đủ vắc-xin để tiêm cho toàn bộ người dân, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 để đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái như trước khi có dịch. 

Với Hà Nội, sáng 17/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo việc ghi nhận 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó 6 người thuộc chùm ca bệnh nhân viên ngân hàng tại số 25 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).

Bên cạnh ổ dịch Công ty SEI - Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh) và xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Hà Nội đang phải đối mặt với 2 chùm ca bệnh phức tạp khác gồm: Nhân viên giao pizza tại cửa hàng số 30 Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng); 3 cán bộ Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ (Thanh Xuân).

Như vậy, sau khoảng thời gian ngắn dịch bệnh lắng xuống, Hà Nội đang phải đối mặt với đợt dịch mới phức tạp, khó lường hơn.

Ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, nhận định TP đang trong đợt dịch phức tạp nhất từ trước đến nay. Nguy cơ dịch bùng phát không phải từ 1, 2 hướng mà đến từ nhiều nguồn với nhiều cách thức đa dạng. 

Trước đó, ngày 12/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản yêu cầu từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu. TP tiếp tục yêu cầu dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và địa điểm công cộng.

Cùng ngày, UBND Hà Nội yêu cầu người đến từ TP.HCM cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm đủ 3 lần. TP cũng giao Công an Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát, yêu cầu dừng phương tiện từ 14 địa phương có dịch vào Hà Nội. 

Người đến từ khu vực khác phải khai báo y tế và xét nghiệm Covid-19 nếu được lực lượng chức năng yêu cầu.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh: Giữ vững những “chốt chặn” ở cửa ngõ Thủ đô
Sáng 15/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số chốt kiểm soát ra vào Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư