Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Cảnh giác với thịt nhập khẩu kém chất lượng
Thế Hải - 26/03/2017 11:11
 
Trong sự bủa vây của thực phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy” thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nguy hại tới sức khỏe.

Thịt kém chất lượng

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt nhập khẩu của người tiêu dùng ngày càng dễ được đáp ứng hơn, khi các công ty thương mại nhập khẩu ngành hàng này gia tăng cường độ hoạt động.

Tuy nhiên, ngoài thịt bán trong hệ thống bán lẻ có thương hiệu uy tín, thì một lượng thịt nhập khẩu không nhỏ đang được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, chủ yếu là các trang web, facebook… với mức giá khá chênh lệch giữa các nhà bán lẻ qua mạng.

Tại các thành phố lớn, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua thịt nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh
Tại các thành phố lớn, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua thịt nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Cửa hàng Thực phẩm sạch Homefarm (Hà Nội) niêm yết giá các loại thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Australia từ 179.000 đồng - 265.000 đồng/kg. Trong khi đó, trên một số trang mạng, giá các sản phẩm thịt bò Mỹ được bán chỉ từ 130.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Anh Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Anh (Hà Nội), chuyên nhập khẩu và phân phối thịt bò Australia cho hay, mua thực phẩm qua mạng là hình thức được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hiện nay do tiện lợi, nhưng việc mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng hóa không đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chưa kể, rất nhiều địa chỉ bán hàng qua mạng bán thịt với giá rẻ không tưởng, mà các doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn cũng khó có được giá tốt như vậy, thì rõ ràng, người tiêu dùng phải đặt câu hỏi cho sự chênh lệch quá lớn này”, ông Ngọc khuyến cáo.

Đề nghị tạm dừng nhập khẩu thịt từ Brazil

Bê bối thịt bẩn tại Brazil những ngày gần đây đã khiến người tiêu dùng trong nước thêm lo khi tiêu dùng thịt nhập khẩu, bởi Brazil hàng năm đều xuất khẩu thịt sang Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Bộ Công nghiệp Brazil, Việt Nam đã nhập khẩu lượng thịt và các sản phẩm thịt với trị giá 12,8 triệu USD, chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.

Ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil.

Theo số liệu được đưa ra bởi Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân tại buổi đón tiếp các doanh nghiệp chăn nuôi bò Pháp vào tháng 12/2016, ước tính cả năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 tấn thịt bò không xương và hơn 34.000 tấn bò có xương từ các nhà xuất khẩu lớn Canada, Mỹ, Australia.... 

 

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, dù chưa phát hiện thịt bẩn từ Brazil vào Việt Nam, nhưng tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép thông quan.

Được biết, Cục Thú y đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Thông tin này đang gây nên cơn sốt lớn, bởi sản phẩm thịt  của Brazil có mặt ở 150 nước và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt toàn thế giới.

Trong khi đó, nhập khẩu thịt từ Brazil của Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh. Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng khuyến cáo các cơ quan chức năng của nước ta cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil thực sự an toàn đối với người tiêu dùng.

3.000 tấn thịt siêu rẻ, nguy cơ bẩn từ Brazil đã tuồn vào Việt Nam
Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định số 902/QD-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư