Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cạnh tranh cho vay, ngân hàng chủ động giảm lãi suất
Thùy Liên - 16/11/2019 09:33
 
Mặt bằng lãi suất huy động chưa giảm, song gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, việc giảm lãi suất không chỉ đơn thuần là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mà còn vì cạnh tranh cho vay trong lĩnh vực này rất lớn.
Mặt bằng lãi suất năm 2020 được dự báo tiếp tục ổn định và giảm dần. Ảnh: Đức Thanh
Mặt bằng lãi suất năm 2020 được dự báo tiếp tục ổn định và giảm dần. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay

Gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần như VPBank, Eximbank… đã bắt đầu giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, mức giảm 0,1 - 0,2%/năm. Mặc dù mức giảm còn ít và phạm vi còn hẹp, song động thái này cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động đã chững lại.

Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, dù lãi suất huy động chưa giảm, song lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên vẫn được các ngân hàng thương mại cắt giảm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại đã 2 lần công bố giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, mỗi lần giảm 0,5%. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm 0,5 - 1% lãi suất cho đối tượng khách hàng khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khẳng định: “Công bằng mà nói, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động chưa giảm, song với lĩnh vực ưu tiên, thời gian qua, các ngân hàng luôn nỗ lực giảm cả phí và lãi suất. Lý do là, ngoài định hướng của Chính phủ, thì các lĩnh vực kinh tế trọng tâm luôn được ngân hàng nhắm tới và cạnh tranh cao, nên giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực này là chủ trương của chính các ngân hàng. Riêng một số lĩnh vực mà Chính phủ và ngân hàng không khuyến khích cho vay như bất động sản, dự án BOT… thì lãi suất cho vay vẫn còn khá cao”.

Cũng theo ông Tùng, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên sẽ còn giảm. Tuy nhiên, mức giảm của từng ngân hàng sẽ khác nhau, tùy vào đối tượng doanh nghiệp, cũng như khả năng của mỗi ngân hàng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng, giá vốn huy động của ngân hàng tuy chưa giảm, song việc ứng dụng công nghệ và tăng cường quản trị rủi ro đang giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm dự phòng rủi ro. Đây là điều kiện để ngân hàng giảm thêm lãi suất.

Khác với giai đoạn trước đây, lãi suất huy động Việt Nam thời gian qua tăng không phải do thanh khoản, mà chủ yếu do các ngân hàng chạy đua huy động vốn để đáp ứng một số tiêu chuẩn, quy định về an toàn vốn (Basel II) hoặc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đạt các tiêu chuẩn đề ra, nên áp lực huy động vốn đã giảm bớt.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) kỳ vọng: “Hiện nay, nhiều ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II, nên việc chạy đua huy động vốn sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, lãi suất điều hành giảm tháng 9/2019 cũng bắt đầu ‘ngấm” vào thị trường, cộng thêm xu hướng giảm lãi suất trên thế giới. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, lãi suất cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ giảm dần”.

Lãi suất vẫn có thể hạ thêm

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm lãi suất cho vay đối với ngân hàng hiện nay là không dễ, bởi mặt bằng lãi suất đầu vào chưa giảm, lãi biên (NIM) của ngân hàng đang ngày càng giảm, hiện chỉ còn 2,7%. Nếu giảm thêm lãi suất cho vay trong điều kiện lãi suất huy động vẫn cao, ngân hàng sẽ khó có lãi, nhưng việc giảm thêm 0,5% lãi suất thì vẫn có thể khả thi.

“Giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay là mong muốn, là định hướng của Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Về phía chuyên gia nghiên cứu, tôi thấy rằng, từ đầu năm đến nay, việc ổn định lãi suất với Việt Nam đã là thành công lớn. Trong năm tới, tôi cũng cho rằng, lãi suất sẽ cơ bản ổn định vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều khả năng lãi suất năm tới sẽ khó giảm thêm, kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thứ hai, NIM của ngân hàng hiện nay khá thấp và đang ngày càng giảm do cạnh tranh. Thứ ba, hiện lãi suất ở Việt Nam cũng không còn là điểm nghẽn với tăng trưởng tín dụng vì đã giảm xuống rất thấp rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, năm tới, nếu Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát, lãi suất đầu vào được duy trì ổn định, thậm chí giảm một chút, thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ khả thi”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tín dụng với nền kinh tế hiện nay là khoảng 8 triệu tỷ đồng. Riêng khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm một nửa thị phần, trong đó, 70% tín dụng các ngân hàng này là cho vay lĩnh vực ưu tiên. Nếu chỉ riêng các ngân hàng nhà nước giảm lãi suất cho vay 0,5%, thì các doanh nghiệp đã được hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữ giá cả trên trị trường ổn định.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng lý giải, dù mặt bằng lãi suất đầu vào chưa giảm, song ngân hàng vẫn có thể giảm lãi suất nhờ tiết giảm chi phí, đồng thời thanh khoản dồi dào.

“Thời gian vừa qua, lãi suất tăng chủ yếu do ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn để thực hiện các yêu cầu của NHNN về đáp ứng chuẩn mực quốc tế, chứ thanh khoản của hệ thống rất dồi dào, tôi chưa thấy ngân hàng nào gặp khó khăn về thanh khoản. Bản thân NHNN cũng kiểm soát chặt tín dụng, chỉ cho phép tăng trưởng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, huy động vốn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt. Với tất cả yếu tố đó, tôi cho rằng, chủ trương giảm lãi suất huy động của Chính phủ là khả thi. Tất nhiên, mức giảm đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng của từng ngân hàng”, ông Tùng nói.

Với tình hình tình hình thanh khoản của các ngân hàng tốt như hiện nay, cộng với việc thời gian qua nhiều ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II, tôi cho rằng, áp lực huy động vốn năm 2020 sẽ không còn quá lớn. Thêm vào đó, thu nhập của người dân đang tăng lên, thị trường Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Tất cả yếu tố này khiến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng lên trong năm tới. Do đó, tôi hy vọng, trong năm 2020, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định và giảm dần.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB
Chưa thể tăng vốn cho 'Big 4' ngân hàng
Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua chưa đưa vào nội dung tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư