Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cao Bằng kêu gọi đầu tư du lịch, nông lâm nghiệp và kinh tế cửa khẩu
Hải Hà - 07/11/2018 07:20
 
Du lịch, nông lâm nghiệp và kinh tế cửa khẩu được xác định là 3 trụ cột phát triển kinh tế cho Cao Bằng. Đây cũng là những trọng tâm ưu tiên được Cao Bằng ưu đãi kêu gọi đầu tư thời gian tới.
.
Cao Bằng đặt trụ cột phát triển kinh tế và kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh.

Thông tin trên được ông Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết trong cuộc họp về chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, dự kiến diễn ra từ 23-27/11 tại Cao Bằng.

Ông Ánh cũng đặt kỳ vọng, việc đặt ra 3 trụ cột ưu tiên phát triển, Cao Bằng có thể mời gọi được nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh này.

Mặc dù không phủ nhận, tỉnh còn nhiều điều kiện khó khăn về giao thông, xa trung tâm kinh tế của cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI còn thấp nhưng ông Ánh cũng khá tự tin khi Cao Bằng cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

“Lợi thế của Cao Bằng là đường biên giới dài tới 33 km, gần thị trường có nhu cầu cực kỳ lớn về nông sản là Trung Quốc. Trong đó, thành phố Bách Sắc (Trung Quốc) là nơi sản xuất và cung cấp tới 50% nông sản cho phía Bắc Trung Quốc. Nhu cầu thu mua hàng hóa nông sản của thành phố này cũng rất lớn. Nhận định tiềm năng này, vừa qua, Cao Bằng đã kiến nghị đưa tuyến vận tải qua Tây Tây Nam Trung Quốc qua Bách Sắc đến cửa khẩu Trà LĨnh (Cao Bằng ) trở thành tuyến vận tải quốc tế. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai tuyến vận tải kết nối Tây Tây Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Trà Lĩnh. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi kết nối phát triển kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng”, ông Ánh nhấn mạnh.

Cùng với lợi thế này, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung khu du lịch thác Bản Giốc và Cao Bằng đã xây dựng cơ chế đặc thù, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV này.

Cụ thể hơn về cơ chế đặc thù này, ông Lê Hải Hòa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiệp định hợp tác bảo vệ tài nguyên thác Bản Giốc đã được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Cao Bằng cũng được giao xây dựng đề án đặc thù, chưa có tiền lệ trước đó. Với cơ chế này, hai bên Trung Quốc và Việt Nam cùng mở 1 lối mở để du khách 2 bên qua lại với giấy tờ rút gọn, không cần visa, chỉ đóng dấu trên hộ chiếu là có thể du lịch trong vòng bán kính 200 ha, tính theo biên giới mỗi bên. Đề án này sẽ bắt đầu triển khai từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 đưa những du khách đầu tiên tham quan khu vực này”.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh, hoàn thiện hạ tầng và vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Hòa cho biết, bước đầu, mỗi ngày chỉ giới hạn đón khoảng 300 khách.

Cùng với những điều kiện này, Cao Bằng cũng có những điều kiện thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với từng loại cây nông nghiệp chuyên biệt.

Ông Ánh cũng cho biết, vừa qua lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã làm việc với Tập đoàn Sungroup để đầu tư vào khu du lịch thác Bản Giốc, Tập đoàn TH True Milk cũng tìm đến Cao Bằng với mong muốn đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh.

Tuy nhiên, ông Ánh cũng bày tỏ kỳ vọng có thể thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông và các dự án du lịch khác vì ngoài những thế mạnh trên, Cao Bằng còn khá nhiều tiềm năng khác như quy tụ tới 214 khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh; 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An.

Ngoài ra, Cao Bằng cũng hội tụ khá nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác như động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm, hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), vườn Quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình)....

Với mục tiêu thu hút nhiều nhà đầu tư vào nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau nên trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư dịp này, Cao Bằng sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc.

Tuần văn hóa, thể thao, du lịch Non nước Cao Bằng cũng sẽ diễn ra với các hoạt động đặc sắc như: Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá Non nước Cao Bằng”; chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc; thi đấu các môn thể thao 6 tỉnh Việt Bắc; giới thiệu du lịch ẩm thực vùng Việt Bắc và trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Non nước Cao Bằng trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ 2 của Việt Nam
Hội đồng Chấp hành UNESCO tại kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp vừa thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư