Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Ngãi vẫn chờ mặt bằng
Thanh Chung - 13/04/2024 09:36
 
Dù Quảng Ngãi đã giải phóng 95% mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhưng số phần trăm còn lại nằm ở vị trí trọng yếu khiến nhà thầu lo ngại không đạt tiến độ đề ra.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Thi công hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88 km, đi qua địa phận các tỉnh Quảng Ngãi (60,3 km) và Bình Định (27,7 km). Dự án có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần, với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là gần 14.500 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư; Tập đoàn Đèo Cả là tổng thầu thi công.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 96%, trong đó tỉnh Bình Định bàn giao đạt 100%, tỉnh Quảng Ngãi bàn giao đạt 95%.Trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi gồm: Hầm 1 dài 610 m, hầm 2 dài 698 m và hầm 3 dài 3.200m, cùng 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ có chiều dài 610m.

Hầm 3 dài 3.200m là hầm dài nhất dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đến nay, đơn vị thi công đã đào thông 2/3 hầm xuyên núi trên tuyến, đã triển khai thi công 58/77 cầu, đắp nền đường 3,3/12,1 triệu m3. Sản lượng thực hiện đạt khoảng 22% tổng khối lượng. Cả hai hầm số 1 và số 2 đều được đào thông, vượt tiến độ. Với hầm số 3 là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định.

Hầm số 3 có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn. Đến nay, ống hầm trái đạt 796/3.200 m, ống hầm phải đạt gần 854/3.200 m.

Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công, nhưng nhà thầu đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch (dự kiến hầm 3 sẽ đào thông trong tháng 6/2025).

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết dự án tận dụng 90% vật liệt từ đá hầm sau nổ mìn. Tuy nhiên, điều kiện địa chất hầm số 2 và hầm số 3 thay đổi so với thiết kế, không phù hợp với tiến độ triển khai các hạng mục, dẫn tới thiếu nguồn vật liệu đá cho bê tông, cấp phối và vật liệu đắp nền đường.

“Hầm số 3 là hầm dài nhất của dự án, hiện nay nhà thầu đã đào tương ứng 26% khối lượng. Tuy nhiên điều kiện địa chất rất phức tạp và thay đổi so với thiết kế ban đầu, kéo chậm tiến độ, nguồn đất đá trong hầm không thể làm vật liệu thi công buộc nhà thầu phải chủ động trình phương án mua vật liệu thương mại”, ông Huy nói.

Hiện hầm sô 3 đã thực hiện đạt khoảng 26% khối lượng.

Được biết, trong năm 2024, hạng mục hầm số 1 và hầm số 2 sẽ thi công hoàn thiện mặt đường, vỏ hầm và thiết bị. Bên cạnh đó, thực hiện thi công 60/77 cầu (ưu tiên hoàn thành các cầu vượt đường ngang), hoàn thành đắp đất nền đường và thi công một phần bê tông nhựa, an toàn giao thông.Dự án đã triển khai 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc thiết bị đến công trường. Cả 3 gói thầu (XL1, XL2, XL3) đều tổ chức thi công 3 ca, riêng các hạng mục hầm nhà thầu thực hiện thi công liên tục 24/24, các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục không ngừng nghỉ.

Vướng mặt bằng

Dù hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn ít mặt bằng còn vướng là những vị trí đường găng tiến độ, mặt bằng bàn giao ‘xôi đổ’, khó tiếp cận mặt bằng được giao. Do đó, việc thi công gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ toàn bộ dự án.

Ông Nguyễn Đăng Hòa, Chỉ huy trưởng của Dacinco cho hay, đoạn Km0 - Km0+800 (đoạn nối vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) hiện có mặt bằng rất "xôi đổ", chưa có đường tiếp cận để triển khai thi công.

"Đây là vị trí làm cầu vượt, do đó để đúng tiến độ thì phải xử lý đoạn này. Đây là một trong những đoạn trọng yếu của dự án này. Hiện tại ở huyện Tư Nghĩa có đên 50 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 12 hộ đã nhận bồi thường. Mặc dù chính quyền địa phương rất tích cực tháo gỡ nhưng do cơ chế chính sách vướng nên chưa giải quyết triệt để được", ông Hòa nói và chia sẻ thêm tiến độ đang chậm so với yêu cầu thực hiện dự án, cụ thể chỉ mới đạt 70% so với yêu cầu đặt ra.

Dự án đang vướng mặt bằng ở những điểm trọng yếu.

Ông Trần Đại Xuân, Giám đốc điều hành BQL dự án 2 cho hay, thực tế diện tích mặt bằng đã bàn giao cơ bản gần xong toàn tuyến, nhưng không xuyên suốt. Việc thi công đòi hỏi cần phải có mặt bằng sạch hoàn toàn. Bởi những vị trí đường găng tiến độ không có mặt bằng thì không thể thi công những đoạn khác.

Điển hình, đoạn Km0 - Km0+800 (đoạn nối vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) mặt bằng vẫn chưa được bàn giao. Tại Km33+300 - Km34+500 qua địa bàn xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa bàn giao. Người dân cho rằng mức đền bù không thoả đáng, hoặc đã nhận đền bù nhưng chưa thể xây nhà mới…

“Về phía nhà thầu chúng tôi rất hoan nghênh địa phương hỗ trợ chi phí cho người dân thuê nhà ở. Tuy nhiên phương án này gặp nhiều vướng mắc nên địa phương không thể thực hiện. Do đó, chúng tôi phải chờ người dân bàn giao mới triển khai thi công cầu vượt qua vị trí điểm cắt này”, ông Xuân nói.

Bên cạnh đó, đại diện nhà thầu cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trữ lượng đã được cấp phép là 5,3 m3 đất và 0,24 triệu m3 cát. Tuy nhiên chi phí đền bù của một số mỏ cao hơn so với quy định (khoảng 3 lần), không có đường tiếp cận, dẫn đến thực tế trữ lượng mỏ đang được khai thác chỉ đạt 3,2/5,3 triệu m3 đất và 0,1/0,24 triệu m3 cát.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cũng cho hay, trong thời gian đến, Ban điều hành nhà thầu rất mong tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết về vấn đề mặt bằng, bàn giao mặt bằng. Đồng thời rất mong tỉnh Quảng Ngãi sớm giải quyết những mỏ vật liệu nhà thầu trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, để đơn vị có cơ sở làm việc với địa phương, người dân để thực hiện công tác đền bù, tiếp cận mỏ vật liệu.

Liên quan đến những vướng mắc trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị trong thi công, giải phóng mặt bằng và ổn định đời sống người dân sau khi di dời tái định cư.

Quá trình giải quyết các vướng mắc về bồi thường, phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân theo quy định của pháp luật. Những trường hợp khi giải tỏa, bàn giao mặt bằng, diện tích còn lại nằm trong hành lang an toàn cao tốc thì tổng hợp, gửi UBND tỉnh để kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho cơ chế giải quyết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh trong tháng 4/2024. Vì vậy các cấp ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải tăng cường phối hợp, nỗ lực nhiều hơn trong tháo gỡ vướng mắc, để hoàn thành trước 30/4/2024.

“Đây là Dự án trọng điểm quốc gia vì vậy tất cả các công việc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đều phải được thực hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, tránh tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.

Quảng Ngãi kiến nghị nâng cấp, mở rộng 15 tuyến đường phục vụ thi công cao tốc
Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải nâng cấp, mở rộng 15 tuyến đường để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi, có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư