Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cấp bằng tràn lan, cơ sở đào tạo lái xe vẫn kêu oan
Hải Dương - 04/11/2013 13:09
 
Đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua phát triển rầm rộ, cung vượt cầu. Để thu hút người học, các cơ sở đào tạo phải tung “chiêu” giành giật người học như giảm học phí, cắt xén chương trình. Không ít người có bằng lái xe nhưng lại không biết lái vậy mà ngành đào tạo, sát hạch lái xe luôn kêu... oan.  
Đào tạo, sát hạch lái xe có thực sự “oan”?

Xã hội hóa tràn lan

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, do nhu cầu bức thiết về đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe giai đoạn 2004-2010, nhu cầu hàng năm tăng 25-37% nên đã thực hiện mở rộng, xã hội hóa lĩnh vực này.

Đến nay, cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và hầu hết bao gồm cả đào tạo xe mô tô, trong đó 125 cơ sở tư thục.

Năng lực đào tạo lên tới 170.000 người tại một thời điểm, một năm 550.000 người.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, cũng bởi đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này khiến tình trạng các cơ sở đào tạo ra đời nhiều nên rất khó kiểm soát.

“Trong khi, công tác thanh, kiểm tra giám sát về đào tạo ở một số địa phương không đạt chất lượng, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý đối với các cơ sở đào tạo”, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.

Thời gian qua, đào tạo, sát hạch lái xe được xem là một trong những khâu còn nhiều bất cập khiến chất lượng học viên thấp, dẫn đến TNGT. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giao thông một số địa phương lại kêu “oan”. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho rằng, bấy lâu cứ xảy ra TNGT là đổ lỗi cho công tác đào tạo, sát hạch lái xe, nhưng lại không có thống kê cụ thể về vấn đề này.

“Theo dõi cho thấy, lái xe gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng toàn lái xe có kinh nghiệm từ 3-5 năm và lâu năm”. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh nêu quan điểm, việc sát hạch còn quá sơ sài, chương trình của Tổng cục Đường bộ còn nặng về hình thức, chưa đưa ra được các tình huống giả định gắn với thực tế.

Cũng bởi tình trạng các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe “mọc” lên nhiều đồng nghĩa cũng phải có các chiêu trò để cạnh tranh như giảm giá, thu hút học viên nhưng lại cắt xén chương trình giảng dạy, chất lượng thấp. Ông Nguyễn Vi Tùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe ô tô số 8 (Hà Nội) bày tỏ, xã hội hóa mở rộng nhưng cũng nên gắn với quy hoạch vùng, miền. Phát triển quá sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá thấp, chắc chắn chất lượng đào tạo sụt giảm.

“Nếu cứ TNGT là đổ cho đào tạo lái xe thì rất oan. TNGT theo tôi ảnh hưởng rất nhiều từ việc lái xe phải chịu khoán chuyến, khoán doanh thu. Bản thân tôi cũng rất sợ đi xe khách đường dài, giường nằm”.

Thầy dạy không đạt yêu cầu

Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một trong những vấn đề được xem là còn yếu trong đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay. Giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Đình Long thẳng thắn, nhiều giáo viên tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe không đạt yêu cầu.

Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này thì việc quản lý chất lượng, đạo đức đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Hiện, chúng ta vẫn chưa có chuẩn về giáo viên từ sư phạm, tay nghề tới đạo đức.

“Tại Hải Dương, giáo viên đã bị sa thải thì sẽ không được nhận vào làm tại bất kỳ cơ sở đào tạo, sát hạch nào khác”.

Hơn nữa, theo ông Lê Đình Long, Bộ GTVT vừa có Thông tư 38 về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn còn ôm đồm.

“Thông tư 38 đã phân cấp quản lý Nhà nước. Những việc gì cấp dưới làm được thì cấp trên không nên tham gia. Việc sát hạch hiện các Sở GTVT làm khá tốt thì Tổng cục Đường bộ không nên làm nữa, nên tập trung vào quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra. Vừa làm công tác sát hạch vừa làm quản lý Nhà nước thì sẽ thiếu rạch ròi, chất lượng về quản lý còn hạn chế”.

Xung quanh việc kêu “oan” về đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Rất nhiều người có giấy phép nhưng không biết lái xe. Tại sao báo cáo đào tạo lái xe tốt mà tai nạn vẫn xảy ra? Đào tạo lái xe là một nghề đặc biệt, nếu không làm bằng lương tâm và trách nhiệm thì rất dễ đào tạo ra những cỗ máy giết người…”.

Hoạt động đào tạo sát hạch lái xe là một dịch vụ xã hội đặc biệt, vì thế sản phẩm “xuất xưởng” phải là sản phẩm xã hội cần và không được phép có lỗi. Đào tạo làm sao để có thể lái được xe chứ không phải chỉ để lấy bằng.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu xem lại sự phân cấp quản lý giữa Bộ GTVT - Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Sở GTVT các địa phương. Trong quý I-2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải hoàn thành quy hoạch hệ thống đào tạo sát hạch lái xe để phê duyệt.

Thanh Hoá: Phá ổ chế bằng lái xe giả công nghệ mới
Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, vào lúc 9 giờ sáng nay, 7/9, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an Thành phố Thanh Hoá)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư