Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cắt giảm điều kiện kinh doanh không thể mãi là... cuộc chiến (Kỳ 2)
Khánh An - 17/08/2018 08:47
 
Nếu việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là cuộc chiến giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thì giới kinh doanh sẽ còn nhấp nhổm chưa yên. Lúc này, môi trường kinh doanh cần những người hành động vì sự thuận lợi của doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Có những nơi như... thinh không

Các bộ, ngành đang chủ động hơn rất nhiều khi rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng dấu ấn trong cải cách chưa thực sự rõ nét. Hệ quả là những tấm thảm gai vẫn sẽ còn, thậm chí sẽ còn thêm nhiều gai mới.

doanh nghiệp thực phẩm đang khốn khổ vì quy định tăng cường vi chất cho bột mỳ, tăng cường i-ốt cho muối dùng trong sản xuất. Ảnh: Đức Thanh
Doanh nghiệp thực phẩm đang khốn khổ vì quy định tăng cường vi chất cho bột mỳ, tăng cường i-ốt cho muối dùng trong sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Sự im lặng khó hiểu

Tính đến tháng 7/2018, Bộ Công thương tiếp tục dẫn đầu về cải cách kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là thông tin được đăng tải trên website của Bộ Công thương ngày 14/8/2018.

Nhưng với bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và các doanh nghiệp ngành lúa gạo, thành tích này là chưa đủ.

Trở lại nỗi lòng của doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa gạo, bà Hạnh viện dẫn câu chất vấn của đại biểu Quốc hội từ ngày 4/8/2013 rằng: “Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã định hướng chỉ còn 100 thương nhân đầu mối đủ điều kiện xuất khẩu gạo, như vậy phải chăng là “bóp nghẹt” gạo Việt, ủng hộ các nhóm lợi ích trục lợi chính sách và công sức nông dân?”

Sau 5 năm, với vô vàn nỗ lực từ phía doanh nghiệp, chuyên gia và cả Bộ Công thương trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, câu hỏi này còn nguyên và con đường xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp vẫn đóng.

Phải nói rõ, ngày 6/1/2017, doanh nghiệp đã phấn khởi khi Bộ trưởng Bộ Công thương ký quyết định thành lập Tổ Biên tập và Ban Soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban Soạn thảo; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chính làm Thường trực Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập; lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện của 19 tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM, Thái Bình, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng… cùng tham gia.

Kế hoạch là sẽ báo cáo Chính phủ trong quý II/2017. Tháng 8 năm đó, Dự thảo đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp, mang theo kỳ vọng của doanh nghiệp, khi đề xuất bãi bỏ các điều kiện phân biệt quy mô doanh nghiệp, bãi bỏ quyền lực vô đối của VFA... - những điều kiện bị cho là cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhỏ, trong khi không rõ mục tiêu quản lý...

Nhưng, đó là tất cả thông tin mà doanh nghiệp có được về dự thảo này.

Ngay cả trong Báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo này cũng được nhắc tới là minh chứng rõ ràng cho việc “biến lời nói thành hành động” của các bộ, ngành, nhưng đi kèm là câu hỏi không biết vì lý do gì mà chưa được ban hành.

Dấu ấn quyền lực?

Đã đến lúc không thể né tránh câu hỏi: ai hưởng lợi từ sự chậm trễ này? Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, 145 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo, hay VFA với nhiều quyền lực mà Nghị định 109/2010/NĐ-CP trao cho?

Một cách sòng phẳng, câu hỏi này không dành riêng cho bộ nào khi cuộc đấu tranh giữa quyền kinh doanh của doanh nghiệp và quyền quản lý của các cơ quan quản nhà nước vẫn đang diễn ra thực sự gay gắt.

Kết quả sơ bộ về cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Có 4 bộ đã chính thức cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trên tổng số 5.905 điều kiện, gồm: Bộ Công thương (cắt giảm 675 trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh, đạt 55,5%), Bộ Xây dựng (183 điều kiện trên tổng số 215 điều kiện kinh doanh), Bộ Giáo dục và Đào tạo (hứa cắt giảm 110 điều kiện trên tổng số 212 điều kiện, nhưng mới cắt giảm được 16 điều kiện, đạt 7,5%), Bộ Thông tin và Truyền thông (hứa cắt giảm 199 trên tổng số 385 điều kiện kinh doanh, nhưng mới cắt giảm 26 điều kiện, đạt 6,75%).

Tính đến hết tháng 7/2018, còn 2.363 điều kiện kinh doanh, chiếm 40% số điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm 14 bộ.

Về kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bộ Công thương dẫn đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%.

Bộ Thông tin và Truyền thông có 146 mặt hàng, đã cắt giảm 89 mặt hàng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cắt giảm 33 mặt hàng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22 mặt hàng trên tổng số 24 mặt hàng.

Bộ Xây dựng cắt giảm 39 mặt hàng trên tổng số 70 mặt hàng.

Ngoài các bộ đã cắt giảm kể trên, một số bộ hứa cắt giảm trước ngày 15/8/2018 có Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông-Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an.

Theo đánh giá của Tổ công tác, tính đến tháng 8/2018, các bộ, ngành đã đơn giản hóa được 606/9.339 mặt hàng, đạt 6,5% danh mục.

lHiện còn 832 danh mục, tương đương 8,7%, dự kiến tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản cụ thể, thuộc trách nhiệm của 6 bộ gồm: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông-Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an.

Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm kiểm tra chuyên ngành vẫn đạt thấp so với yêu cầu đặt ra, mới đạt 15,1%.

Nguồn: Báo cáo của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ

Ngay cả Bộ Y tế - một cái tên cũng đi đầu trong cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành - đang nhận được câu hỏi tương tự khi sau hơn một năm, kiến nghị sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc sử dụng muối tăng cường i-ốt, bột mỳ tăng cường sắt và kẽm trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, vẫn chưa có động thái tích cực nào.

Điều khó hiểu là, hướng xử lý đã rất rõ ràng - không bắt buộc doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải sử dụng muối i-ốt. Điều này đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận trong các cuộc đối thoại với các bộ, ngành và doanh nghiệp vào tháng 5/2017 và tháng 9/2017. Sau đó, tại cuộc họp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2017, vấn đề này cũng đã được đặt ra. Đặc biệt, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 5/2018, cũng đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ 2 nội dung trên.

Trong khoảng thời gian chờ đợi này, doanh nghiệp phải chịu nhiều hệ lụy, quy trình sản xuất đảo lộn, sản phẩm bị biến màu, biến mùi, đổi vị, lại thêm in nhãn và công bố mới... Khổ hơn là sản phẩm khi xuất khẩu bị khách hàng từ chối vì họ yêu cầu không có vi chất...

Không hiểu các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là người của Bộ Y tế nghĩ gì? Không biết có cần sự thay đổi nào đó trong chỉ đạo phần việc này hay không, như đã từng diễn ra trong hành trình gập ghềnh trong kiến nghị, vận động sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm) từ năm 2016.

Báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của VCCI khi nhắc đến kết thúc đẹp là sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP) đã có một câu đáng chú ý. Đó là “Chỉ khi có sự chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp từ lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thành Long, thì các bản dự thảo mới có sự thay đổi đáng kể”.

Còn trước đó, hàng loạt đơn, thư kiến nghị, kết luận các cuộc đối thoại của doanh nghiệp về sửa đổi thủ tục chứng nhận và công bố sự phù hợp của Nghị định 38/2012/NĐ-CP như rơi vào thinh không. Thậm chí, những con số ăn vào máu của doanh nghiệp như mỗi thủ tục, doanh nghiệp mất bình quân 4 tháng với chi phí 10 triệu đồng đối với thực phẩm thường và 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng..., hay những ví dụ thực tiễn chấn động như chiếc bánh sôcôla “cõng” 13 giấy phép... đã không thể biến những lời hứa của người chỉ đạo việc này (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường) thành hiện thực...

Không thể để doanh nghiệp mãi ôm mối hoài nghi

Kết quả các đợt cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và cả điều kiện kinh doanh dường như chỉ đạt được khi Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và Tổ Công tác của Thủ tướng giám sát từng bước. Lần này cũng vậy, Tổ Công tác của Thủ tướng làm việc liên tục.

Nhưng giới kinh doanh muốn nhìn thấy nhiều hơn trách nhiệm của các bộ, ngành. Đây là lý do VCCI đã bắt tay vào kế hoạch dài hơi, đó là thực hiện rà soát 6 tháng một lần đánh giá các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Báo cáo đầu tiên nhìn lại 6 tháng đầu năm 2018, với điểm nhấn là hoạt động liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, mục tiêu là để thúc đẩy tiến độ cải cách thể chế mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

“Chúng tôi nhìn thấy tính chu kỳ trong các đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có lúc thì cao trào, có lúc lại nguội lạnh. Cải cách phải được duy trì tính liên tục, chứ không thể lúc trồi, lúc sụt”, ông Lộc nói.

Rà soát của VCCI cho thấy, dù phần lớn bộ, ngành đã đưa ra phương án cắt giảm, với tỷ lệ điều kiện kinh doanh cắt giảm, bãi bỏ có thể lên tới ít nhất 50%, nhưng vẫn có sự không giống nhau về góc nhìn, quan điểm ở cùng một vấn đề. Có bộ đồng ý bỏ can thiệp vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp, có bộ không. Trong một bộ, có văn bản theo tư duy quản lý hậu kiểm, nhưng có đề xuất lại tư duy tiền kiểm... Nguyên nhân được cho là các bộ, ngành không thực sự tuân thủ các tiêu chí về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư, không thống nhất tư duy quản lý nhà nước với các hoạt động doanh nghiệp...

Biết rằng, áp lực kỷ luật hành chính là chìa khóa buộc các bộ, ngành, địa phương không thể chần chừ trong thực thi cam kết cắt giảm  khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, nhưng nếu từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương không thực sự coi mình là người trong cuộc của công cuộc cải cách, không là người đứng cùng phía với doanh nghiệp, thì những tấm thảm gai sẽ còn, thậm chí sẽ còn nhiều thêm...

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư