Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CEO Google Sundar Pichai: Google rất muốn hợp tác với Startup Việt Nam!
Tú Ân - 22/12/2015 17:00
 
Chiều 22/12, trong chuyến thăm Việt Nam của CEO Google Sundar Pichai đã diễn ra cuộc giao lưu với cộng đồng công nghệ, sinh viên và giới truyền thông trong nước.

CEO Google xuất hiện trong bộ trang phục đầy chất công nghệ với chiếc quần jean và áo len giản dị. Câu nói đầu tiên sau màn pháo tay của CEO Sundar Pichai là "Xin chào quý vị! Tôi hơi căng thẳng một chút bởi ngồi trước một cộng đồng lập trình viên rất năng động. Ở đây có ai là người sáng lập doanh nghiệp công nghệ, ai là kỹ sư ạ?".

Khi giới thiệu về mình, Pichai cho biết, ông là người Ấn Độ. Trước khi đến đại học Standford, ông chưa từng đi máy bay. Bố ông đã dành dụm rất nhiều tiền để sang Mỹ học. "Thời điểm đó, tôi rất quan tâm đến công nghệ và muốn làm việc tại Thung lũng Silicon. Tôi rất vui khi biết nhiều lập trình viên Việt Nam thành công ở Thung lũng Silicon".

Vị CEO này cũng  cho biết, ông vừa gặp Nguyễn Hà Đông, người viết phần mềm Flappy Bird. Ông cho biết rất vui khi trao đổi với Đông và với một đội ngũ ít người nhưng Đông đã làm được một điều rất ấn tượng.

CEO
CEO Google Sundar Pichai tại cuộc giao lưu chiều 22/12.

 

 

Trả lời câu hỏi của CEO Công ty VNG gửi đến về việc một doanh nghiệp Internet trong nước cạnh tranh như thế nào với Google?

 Pichai cho biết: "Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ và luôn nghĩ xung quanh có những công ty mới khởi nghiệp. Nhìn vào lịch sử công nghệ, có các công ty đột ngột thành công và giành thị phần với công ty lớn. Google là ví dụ. Mô hình này rất phổ biến, nó cần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội lớn. Startup có lợi thế như làm những điều chưa ai làm, như một công ty phần mềm cho smartphone, dù lớn hay nhỏ đều có thể cạnh tranh"

Về việc làm thế nào để có sản phẩm hay, Pichai cho rằng, nên quan sát cuộc sống hằng ngày để tìm ra giải pháp.

"Không phải hỏi người dùng muốn gì, mà hãy tìm kiếm", anh nói. 

Trả lời câu hỏi: Startup Việt Nam làm thế nào để hợp tác với Google?

Sundar Pichai cho rằng, Google cũng muốn tham gia vào các thị trường khởi nghiệp công nghệ khác, như Việt Nam.

"Chúng tôi muốn hiếu thị trường và đã làm việc ở nhiều nơi. Chúng tôi muốn đến đây và học hỏi cách hợp tác các bạn trước đã", anh nói.

"Chúng tôi luôn muốn hợp tác các công ty bản địa", Pichai nhấn mạnh. "Năm trước Google đã hợp tác với 3 startup ở Ấn Độ. Các quốc gia châu Á đang làm tốt, chúng tôi muốn theo xu hướng đó, và tất nhiên rất muốn làm việc ở Việt Nam".

Cũng theo Pichai, thị trường Việt Nam đang rất phát triển. Mỗi thị trường có những điểm khác nhau. Ở Ấn Độ, smartphone cho phép kết nối với 200-300 triệu người. Ở Việt Nam không có thị trường 100 triệu người, nhưng giới khởi nghiệp có thể xác lập vị thế của mình ở đây. Từ đó, hãy nghĩ cách bước ra thế giới. "Các bạn cần đi tiếp hành trình và kiên nhẫn", CEO Google đưa ra lời khuyên.

Theo Sundar Pichai, Google muốn gây ảnh hưởng đến giới startup, và cũng muốn tìm kiếm thêm tài năng cho Google. Ở Việt Nam, họ có các chương trình hỗ trợ tài năng, sau đó thuê họ làm việc cho Google. Ông cho biết, hãng sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

"Với một thị trường gần 100 triệu người, Việt Nam có một tiềm năng rất lớn. Theo tôi được biết, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh và sẽ trở thành một thị trường lớn trong tương lai. Người làm khởi nghiệp tại Việt Nam nên tập trung vào thị trường trong nước trước khi nghĩ đến chuyện xuất ngoại", CEO Google đưa ra lời khuyên cho các startup trong nước.

"Chúng tôi muốn phát triển nhân viên, công nghệ mới chưa ai làm, hiện chúng tôi có nhiều chương trình hay ở các tổ chức đào tạo trên thế giới. trong vòng 5-6 năm tới chúng tôi hy vọng sẽ có những sự hợp tác như các chương trình đào tạo từng tổ chức trên thế giới", anh nói.

Quang cảnh buổi giao lưu.
Quang cảnh buổi giao lưu.

 

Về thói quen của mình, Sundar Pichai cho biết, ông uống rất nhiều cà phê. Bên cạnh đó, ông thích cà phê và Việt và sẽ mua mang về.

"Tôi đã uống cà phê Việt Nam, nhưng chỉ chịu được một ly", ông nói. 

Sundar Pichai cho biết anh thường ngủ vào lúc nửa đêm, thức dậy lúc 7-8h sáng.

"Hãy bận rộn và làm việc cần làm. Bạn hãy tạo ra thói quen luôn nghĩ về 3 việc mình cần làm, hoàn thành trong 3 tháng tới và tập trung vào điều đó", ông nói. Theo Pichai, thực hiện những điều trên rất khó, không phải lúc nào cũng thành công nhưng đáng để thử.

Lúc rảnh rỗi CEO Google đọc khá nhiều sách.

"Vài tuần trước tôi đọc một cuốn sách về hai người Mỹ. Họ cố gắng bay lên trong vòng 10 năm, trong lúc mọi người cười nhạo, họ tự làm máy bay và cuối cùng thành công. Điều đó truyền cảm hứng cho tôi rằng, nhóm nhỏ nhưng vẫn thay đổi được thế giới. Tôi thường trì hoãn mọi việc, nên tôi rất muốn đúng giờ và không trì hoãn gì cả", Sundar Pichai cho biết.

Trước đó, trưa ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Google (Hoa Kỳ) Sundar Pichai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh ông Sundar Pichai thăm,làm việc tại Việt Nam và đánh giá cao tên tuổi, thương hiệu toàn cầu của Google, nhất là đóng góp của Google vào việc phổ biến tri thức, nâng cao cơ hội tiếp cận thông tin, giáo dục cho người dân trên thế giới, góp phần cho sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như các quốc gia.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của thế giới, trong đó có Google đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời mong muốn Google hỗ trợ và mở rộng hợp tác với các đối tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cũng đề nghị Google phối hợp với các cơ quan của Việt Nam trong việc tuân thủ các pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới; bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Việt Nam trên Internet.

Tại buổi tiếp, ông Sundar Pichai đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và cho rằng với việt ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Google sẽ có cơ hội lớn để hợp tác và mở rộng hơn nữa hoạt động tại Việt Nam.

Sắp tới, Google sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục-đào tạo. Theo khảo sát thì lượng sử dụng công cụ tìm kiếm  Google phục vụ cho mục đích lấy thông tin và giáo dục của người dân Việt Nam cao gấp 3 lần mức trung bình của toàn thế giới.

“Google tin tưởng Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của mình và chúng tôi cam kết làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam”, Tổng giám đốc điều hành Google nói, đồng thời cũng khẳng định Google luôn tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế của bất cứ quốc gia nào mà Google hoạt động.

Sundar Pichai gia nhập Google từ năm 2004, ông dẫn dắt mảng quản lý sản phẩm và thúc đẩy sáng tạo cho gói ứng dụng khách hàng tại Google, bao gồm cả Google Chrome và Chrome OS, Google Drive, Gmail, Google Maps…đến tháng 8/2015 ông chính thức nhậm chức Giám đốc điều hành (CEO) Google.
Đôi nét về Sundar Pichai, tân CEO Google
"Tôi thách bạn tìm ra bất cứ ai tại Google nói rằng không thích Sundar Pichai hoặc có ý nghĩ rằng Sundar Pichai là một gã ngốc”, Caesar Sengupta, một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư