Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO Hoàng Đức Thảo và hiện tượng Busadco
Lã Quý Hưng - 27/12/2013 16:30
 
Bất kể được gọi là “bác sỹ môi trường” hay “hiện tượng khoa học”, ông Hoàng Đức Thảo, Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) vẫn xác định mình là người đam mê khoa học và có trách nhiệm với công việc, với người lao động.

Hiện tượng Busadco

Không thể phủ nhận, Busadco là một hiện tượng khi Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích là thoát nước và phát triển đô thị của một địa phương lại nổi danh với những sản phẩm... công nghệ và sáng chế.

Ông Hoàng Đức Thảo, Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco)
Ông Hoàng Đức Thảo, Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco)

Tính đến nay, Công ty đã có 30 công trình khoa học và giải pháp hữu ích, sáng tạo được những công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ cơ học chế tạo máy, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Trong số đó, có 23 sản phẩm đã và đang được ứng dụng rộng rãi, 16 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 13 sản phẩm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục lập tiêu chuẩn Việt Nam.

Nếu như tính cả sự xuất hiện dày đặc của thương hiệu này trong các giải thưởng trong nước, nước ngoài, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ..., thì không ai nghĩ rằng, Busadco là một doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước và phát triển đô thị.

Đem hiện tượng này đến hỏi chính người chèo lái doanh nghiệp, Giám đốc Hoàng Đức Thảo, ông chia sẻ một cách rất đơn giản và thuần kinh tế: “Những sản phẩm đó đang mang lại nguồn thu chính trong sản xuất - kinh doanh, chiếm 85% doanh thu của Công ty. Đặc biệt, những năm gần đây, khi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí là phá sản, nhưng chúng tôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hai năm liền, chúng tôi có mặt trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam”.

Nói vậy, nhưng cũng phải mất tới 10 năm với vô vàn khó khăn để ông Thảo và Công ty tạo nên một hiện tượng trong giới nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật.

Ông Thảo kể, cách đây 10 năm, ông đứng trước sự lựa chọn rất khó khăn khi tiếp quản một nguồn lực khiêm tốn, không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ được giao, với số vốn ít ỏi 10 tỷ đồng, cùng 32 lao động (gồm 24 lao động phổ thông), không có bất kỳ người nào được đào tạo chuyên môn về thoát nước, không có kỹ sư thoát nước và môi trường, nhưng lại phải giải quyết vô vàn vấn đề bức xúc của thoát nước và môi trường đô thị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chưa bàn tới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động chưa khoa học, thụ động, phân tán, ông Thảo nói, chỉ riêng việc người lao động phải trực tiếp tiếp xúc với bùn thải độc hại, nguy hiểm tới sức khỏe, công cụ thô sơ, thủ công... khiến lãnh đạo Công ty cảm thấy bất an.

“Lúc đó, chúng tôi hầu như không chủ động phòng ngừa được tình trạng ngập úng, không giải quyết được hiện trạng ô nhiễm môi trường, mà chủ yếu là đối phó, thụ động và khắc phục theo tình thế. Nhìn tình trạng ngập úng xảy ra triền miên, nhiều con đường biến thành sông mỗi khi mưa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chỉ được đầu tư ở một số trục đường chính, còn lại thì manh mún, cũ kỹ, chắp vá..., là người được giao nhiệm vụ, chúng tôi phải tính cách trước mắt để làm tròn nhiệm vụ, sau là nuôi được nhau, để người lao động đỡ khổ”, ông Thảo tâm sự.

Hiện tại, Busadco trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành thoát nước đô thị trên phạm vi toàn quốc, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường đô thị của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Công ty cũng là chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và bảo vệ môi trường. Nhiều dòng sản phẩm mang thương hiệu Busadco đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Lào. Công ty còn xây dựng một loạt nhà máy công nghệ trên khắp cả nước, từ Đông Anh - Hà Nội, Kiến Xương - Thái Bình; TP. Vinh - Nghệ An, TP. Nha Trang – Khánh Hòa đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ... Ông Thảo nói, đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cộng hưởng đam mê

Ông Thảo mê nghiên cứu khoa học, ai biết ông đều nói về đặc điểm nổi trội này. Nhưng một cách thẳng thắn, ông là một giám đốc thực tế.

“Niềm đam mê, ý chí cống hiến thì nhiều, nhưng cốt lõi nhất vẫn là lấy thu bù chi, làm chủ công nghệ, định hướng thị trường, quyết định đầu tư hợp lý, cân đối, tự bù đắp chi phí để duy trì và tái tạo theo định hướng phát triển bền vững”, ông khẳng định.

Cách ông nói về niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng vậy, với một vòng quay có điểm đầu và điểm đích, theo tiêu chí được định sẵn. Bắt đầu quan sát thực tiễn rồi đến phát sinh ý tưởng, sau đó là tính toán, lựa chọn các giải pháp hữu ích, thiết lập nhà máy sản xuất, tiếp theo là tổ chức chế tạo các sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm theo nguyên tắc bảo đảm cân đối thu - chi...

“Con đường này vô cùng chông gai, nên chúng tôi buộc phải tính toán, chấp nhận rủi ro, tự đầu tư kinh phí từ nguồn lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu khoa học”, ông nói và kể nhiều về nguồn nhân lực có kỹ thuật, kỹ năng sáng tạo, gắn sản xuất - kinh doanh với nghiên cứu khoa học mà ông đang có. “Mọi thành viên Busadco dù ở cương vị nào, khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng phải tìm tòi, sáng tạo, phải tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho mỗi công việc, như những cú huých vào nhu cầu, niềm say mê sáng tạo vốn có trong mỗi người”, ông tâm sự.

Giám đốc Hoàng Đức Thảo cũng nói nhiều về nguyên tắc mà ông và Công ty đang tuân thủ, đó là lấy sáng tạo khoa học, công nghệ làm bước đột phá cho quá trình phát triển mới...

Tuy nhiên, có một điều mà ông chưa nói đến, đó là sức lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học của người đứng đầu tới từng cán bộ, công nhân viên của mình. Nhìn vào danh sách các sáng kiến, sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, có thể thấy yếu tố cấp thiết và phục vụ công việc của Công ty rất rõ. Có thể kể tới các sản phẩm hữu ích như hố ga đúc sẵn thành mỏng kết nối cống với giải pháp mối nối mềm, hệ thống hào kỹ thuật đô thị; bó vỉa đúc sẵn, bồn rác xanh, hệ thống xử lý nước thải nhà hàng khách sạn…; hay các sản phẩm phục vụ xây dựng nông thôn mới như kênh mương bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn tưới tiêu các loại, tấm lắp ghép đường giao thông nông thôn, hệ thống bồn, bể chứa các loại, bể biogas…

Một mình niềm đam mê của ông Thảo sẽ không đủ để tạo nên hiện tượng Busadco trong giới nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về kế hoạch 10 năm qua, ông Thảo cho vẫn xem đây như chặng đường đầu tiên. “Sứ mệnh và hoài bão của Busadco chính là cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn và bảo vệ môi trường sống, đòi hỏi chúng tôi phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội”, ông Thảo nói.

Trong kế hoạch của những năm tới, ông Thảo đã nhắc đến các sản phẩm lên các thế hệ mới, ứng dụng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ, hữu ích chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường bền vững...

Trao đổi với Giám đốc Hoàng Đức Thảo:

Mọi người gọi ông là bác sỹ môi trường, ông nghĩ thế nào?

Đấy là các nhà báo ví von, chứ tôi chỉ là người đam mê khoa học. Nhưng thú thật, chính tên gọi này cũng tạo cho tôi một áp lực và cũng là động lực buộc tôi phải có trách nhiệm hơn trong công cuộc bảo vệ môi trường sống cho cả cộng đồng.

Ông nói gì về định kiến sẵn có rằng, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công ích thường hoạt động kém hiệu quả?

Quan trọng là đặt mục tiêu hoạt động tới lợi ích chung khi thực hiện công việc. Như chúng tôi là doanh nghiệp công ích trong lĩnh vực thoát nước theo phương thức hợp đồng đặt hàng với chủ đầu tư hoặc là các sở ngành chức năng hoặc là chính quyền đô thị.

Hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và phát triển đô thị, ông thấy điều gì khó khăn nhất?

Khó nhất là đảm bảo chất lượng thoát nước, chống ngập úng và chống ô nhiễm môi trường nước thải.

Điều gì giúp Busadco đạt danh hiệu Anh hùng lao động?

Là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó là nội lực của tập thể người lao động và sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Bản thân tôi đã hy sinh cống hiến. Tôi cũng đã dẫn dắt tất cả các cộng sự và người lao động Busadco đồng lòng hợp sức với mình để cống hiến.

CEO Kinh Đô mơ làm "Hoàng đế"
Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô, Trần Lệ Nguyên chia sẻ, tham vọng của ông trong chu kỳ mới là đưa doanh nghiệp đi lên bằng năng lực cốt lõi, phấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư