Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
CEO Viettel tại Campuchia: Chúng tôi muốn đem đến ý nghĩa mới cho kết nối trong viễn thông
Tuấn Long - 19/02/2025 12:59
 
Là “chiến binh” tiên phong của Tập đoàn Viettel khi “go global”, trong suốt 16 năm kinh doanh tại Campuchia, Viettel luôn thực hiện sứ mệnh đem đến giá trị mới cho khách hàng.

Ông Cao Mạnh Đức, Tổng giám đốc (CEO) Viettel tại Campuchia (tên thương hiệu là Metfone) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về hành trình của công ty trên đất nước chùa tháp và thông điệp “Định nghĩa lại kết nối” khi Metfone bước qua tuổi 16.

MỖI NGƯỜI VIETTEL TẠI CAMPUCHIA ĐỀU ĐÓNG GÓP CHO CẢ HAI ĐẤT NƯỚC

Sau 16 năm hoạt động tại Campuchia, điều gì khiến ông cảm thấy tự hào nhất về Metfone trong những đóng góp cho người dân và đất nước Campuchia?

Mỗi người có một góc nhìn riêng, với tôi, điều đáng tự hào nhất là việc chúng tôi đã tạo ra những giá trị bền vững cho cả hai đất nước.

Khi mới đặt chân đến Campuchia, có những nơi thậm chí chưa từng xuất hiện sóng điện thoại, những ngôi làng chìm trong sự cô lập thông tin. Vậy mà hôm nay, từ vùng sâu vùng xa đến đô thị sầm uất, Metfone đã trở thành nhịp cầu kết nối, mang thế giới đến gần hơn với từng người dân.

Những thế hệ người Viettel tại Campuchia đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong 16 năm qua, đó là xây dựng hạ tầng viễn thông cho quốc gia và giờ đây nó trở thành xương sống cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Đây là điều rất quan trọng với Chính phủ hiện tại của Campuchia.

Cùng quá trình kinh doanh, chúng tôi đã đóng góp 120 triệu USD cho các hoạt động xã hội - đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, là sự tri ân mà chúng tôi dành cho Campuchia.

Đối với Việt Nam, Metfone là doanh nghiệp tiên phong của Viettel đầu tư ra nước ngoài, đóng góp cho ngân sách của quốc gia.

Như thế, mỗi cán bộ công nhân viên của Metfone đều đóng góp cho cả hai đất nước, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Khi nhìn lại hành trình của Viettel tại Campuchia, ông thấy đâu là những cột mốc thách thức nhất?

Doanh nghiệp cũng giống như con người, có những lúc vươn cao mạnh mẽ, nhưng cũng có những thời điểm đối mặt với thử thách. Mỗi giai đoạn đều có những thách thức riêng.

Giai đoạn đầu, chúng tôi khó khăn về kinh phí, nhân lực và thậm chí chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối nên gặp phải nhiều nghi ngại, e dè.

Sau 3 năm chúng tôi đã hoàn vốn rồi, có thể nói là vượt qua khó khăn. Giai đoạn sau, dù vươn lên vị trí số một, nhưng rồi lại tụt xuống số hai. Như con người thôi, đang tốt mà bị “tụt hạng” thì giống một cú sốc vậy. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn, Viettel tại Campuchia trở lại vị trí số 1 nhưng rút ra được bài học là “tuyệt đối không được chủ quan”. Khi đã ở số 1 rồi, mình phải chiến thắng chính mình để tiếp tục vươn lên.

Giai đoạn hiện tại là bước ngoặt lớn khi chúng tôi chuyển đổi từ công ty viễn thông sang công ty công nghệ, đòi hỏi mỗi cán bộ nhân viên phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và tự trau dồi và chuyển đổi từ “con người viễn thông” thành “con người công nghệ”.

ĐỊNH NGHĨA LẠI KẾT NỐI

Thông điệp cho dịp kỷ niệm 16 năm Viettel tại Campuchia là "Redefining Connections" – Định nghĩa lại kết nối, mang ý nghĩa về một mô hình kết nối mới không chỉ truyền tải dữ liệu, mà là kết nối cảm xúc, chia sẻ giá trị và xây dựng cộng đồng. Nó sẽ hoạt động như thế nào?

Mô hình này xây dựng sự kết nối thông qua việc tạo ra giá trị cho cộng đồng bằng các hoạt động xã hội hướng đến cộng đồng, vì mục tiêu hỗ trợ và phát triển xã hội. Mô hình sẽ đặt con người làm trung tâm và các giá trị phát triển đều xoay quanh con người, hướng tới sự phát triển bền vững.

“Trước đây, chúng tôi kết nối con người với nhau. Nhưng giờ đây, chúng tôi muốn giúp họ kết nối để phát triển sự nghiệp, để học hỏi, để kiến tạo những giá trị mới. Một cô gái ở vùng quê có thể học lập trình nhờ Internet. Một doanh nhân có thể tiếp cận thị trường toàn cầu từ chính Campuchia. Một bác sĩ có thể chữa bệnh từ xa qua công nghệ 5G”.

Chúng tôi muốn người dân có thể kết nối để phát triển nghề nghiệp, phát triển kinh tế, tạo ra niềm vui và hạnh phúc, cùng nhau xây dựng cộng đồng tại Campuchia.

Trong 16 năm qua chứ không chỉ là dịp kỷ niệm này, Viettel tại Campuchia đã có lần nào từng định nghĩa lại khái niệm kết nối hoặc định nghĩa lại một khái niệm “cũ” nào đó trong ngành viễn thông hay chưa? Những lần “định nghĩa lại” đó đã đem đến thay đổi nào tại Campuchia?

Khi mới đặt chân đến Campuchia, Viettel đã định nghĩa lại cơ hội kết nối, không chỉ dành cho một số ít người, mà là dành cho tất cả mọi người.

Chúng tôi đã thực hiện điều này bằng cách giảm giá cước, xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân có điều kiện kinh tế khó khăn hơn và thực hiện các chương trình công ích.

Sau đó, sự chuyển đổi từ kết nối thoại sang kết nối Internet là một bước tiến lớn. Dù ở giai đoạn nào, chúng tôi đều muốn mang đến sự công bằng trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông và công nghệ, tạo điều kiện cho các khu vực đó phát triển kinh tế.

Nhìn lại, ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đông Bắc Campuchia, nơi mà cách đây hơn 10 năm còn chưa có đường đi, chúng tôi đã tiên phong phủ sóng 3G và 4G. Đến nay, thị phần của Viettel tại Campuchia ở những tỉnh này đã lên đến hơn 70%. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở những tỉnh này đã có sự thay đổi tích cực, không thua kém gì các tỉnh đồng bằng. Đây là điều mà chúng tôi rất tự hào.

Viettel tại Campuchia có chiến lược và sứ mệnh mang kết nối đến cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo.

"CHÚNG TÔI MONG MUỐN TẠO RA NHỮNG KẾT NỐI CÓ Ý NGHĨA"

Công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi lớn trong cách con người kết nối, từ kết nối trong y tế như Telehealth, trong giáo dục từ xa… đến kết nối giữa Chính phủ và người dân. Vậy theo ông, 5G định nghĩa lại kết nối như thế nào? Và liệu 5G có phải là yếu tố cốt lõi trong thông điệp “định nghĩa lại kết nối” của Viettel tại Campuchia?

Về công nghệ 5G, tôi đồng ý với quan điểm rằng nó định nghĩa lại kết nối. 5G không chỉ là tốc độ. Nó là tương lai, là nhịp cầu đưa thế giới số vào cuộc sống thực.

5G sẽ không chỉ giúp con người kết nối với nhau, mà còn kết nối với vạn vật (IoT). Nó sẽ làm thay đổi cách chúng ta học tập, chữa bệnh, sản xuất và quản lý cuộc sống. Từ những cuộc phẫu thuật từ xa, đến nền giáo dục không biên giới, 5G sẽ là chìa khóa mở ra kỷ nguyên số.

Nhưng điều quan trọng nhất, công nghệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phục vụ con người. Chúng tôi muốn tạo ra những kết nối chạm đến trái tim, những kết nối mang lại hạnh phúc.

Kế hoạch 5G của Metfone tại Campuchia như thế nào, thưa ông?

Trong tương lai, Metfone xác định viễn thông vẫn là nền tảng cốt lõi, là hạ tầng của hạ tầng. Nếu không có viễn thông, sẽ không có kết nối, và không thể chuyển đổi số. Chính phủ Campuchia đang rất tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, vì vậy Metfone phải tiếp tục củng cố hạ tầng viễn thông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ 4G, đồng thời đẩy mạnh phát triển 5G ngay khi được chính phủ phê duyệt. Mục tiêu là phục vụ tốt nhất cho người dân và chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số.

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia, Metfone không chỉ mang đến công nghệ, mà còn là cầu nối của tình hữu nghị. Trong suốt hành trình này, chúng tôi luôn giữ vững cam kết: phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho cả hai đất nước, để mỗi kết nối không chỉ là tín hiệu, mà còn là sự gắn kết giữa con người.

“Chúng tôi định nghĩa lại kết nối, không chỉ ở Campuchia, mà còn vươn xa hơn. Và trên hết, kết nối ấy phải mang lại giá trị, mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống”.

Cảm ơn ông!

CEO Metfone: "Chúng tôi muốn mang điều tốt đẹp nhất đến cho người dân Campuchia!"
“Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã xác định rất rõ: Phải mang những gì tốt đẹp nhất đến cho người dân Campuchia”, ông Cao Mạnh Đức,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư