Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Chấm điểm tín dụng giúp thúc đẩy quy mô tín dụng tiêu dung
Hải Minh - 29/09/2024 10:00
 
Hoạt động cho vay tín chấp ở các tổ chức tín dụng có nhiều nguy cơ rủi ro, khi không có cơ sở để đánh giá, xác định đối tượng cho vay. Là một trong 6 đơn vị đầu tiên thử nghiệm ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp, kết quả đã giúp Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cải thiện quy trình cho vay, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp giúp các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro chính xác hơn và tăng cơ hội duyệt vay cho khách hàng
Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp giúp các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro chính xác hơn và tăng cơ hội duyệt vay cho khách hàng

Phản ánh mức độ uy tín của người vay

Điểm tín dụng là chỉ số phản ánh mức độ uy tín của người vay thông qua lịch sử vay vốn và trả nợ tại các ngân hàng, tổ chức tài chính. Đây sẽ là căn cứ để các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng đưa ra quyết định cho vay đối với mỗi cá nhân.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều khách hàng dưới chuẩn ngân hàng là đối tượng phục vụ của các công ty tài chính tiêu dùng. Những người này thường không có lịch sử tín dụng, nên các công ty tài chính tiêu dùng cần sử dụng những nguồn dữ liệu thay thế để đánh giá khả năng trả nợ của người vay, từ đó đưa ra quyết định cấp tín dụng hay từ chối.

Việc triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp được Mcredit triển khai trong thời gian qua giúp dễ dàng hơn trong việc xác định nơi cư trú để có thể liên hệ, trao đổi, tư vấn, có phương án thu hồi dư nợ của khách hàng.

Tại nhiều nước trên thế giới, việc khách hàng có được vay hay không, vay bao nhiêu tiền, lãi suất mức nào... hoàn toàn dựa vào điểm tín dụng. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), song theo đánh giá của các chuyên gia, những thông tin này chỉ là một phần trong cơ cấu chấm điểm tín dụng.

Như vậy, việc phát triển các mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên phạm vi dữ liệu rộng hơn, bao gồm cả những dữ liệu tín dụng phi truyền thống, sẽ cho phép những khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng được tiếp cận tín dụng thông qua các công ty tài chính tiêu dùng chính thống.

Giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí vận hành, tăng trải nghiệm khách hàng

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit cho biết: “Mcredit đang triển khai ứng dụng kết quả mô hình chấm điểm khả tín của Bộ Công an trong công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng. Mô hình này dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, giúp chấm điểm được cả những khách hàng chưa từng có lịch sử tín dụng. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có thể tăng khả năng nhận diện khách hàng và đưa ra các quyết định phê duyệt cấp tín dụng chính xác hơn”.

Trước khi ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử, tương tự các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính nói riêng, Mcredit cũng gặp phải một số rủi ro trong quy trình cho vay tín chấp, như khách hàng hoặc các đối tượng bên ngoài có thể cung cấp thông tin hoặc CMND/CCCD giả mạo nhằm sử dụng danh tính của người khác để thực hiện vay vốn.

Ngoài ra, khi chưa ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử, quá trình nhập liệu và kiểm tra thông tin thủ công, dễ sai sót, làm giảm chất lượng dữ liệu, ảnh hưởng đến quyết định cho vay, tốn nhiều thời gian và nhân lực, dẫn đến hiệu suất làm việc thấp và tăng chi phí vận hành.

Trong khi đó, việc triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp được Mcredit triển khai trong thời gian qua giúp dễ dàng hơn trong việc xác định nơi cư trú để có thể liên hệ, trao đổi, tư vấn, có phương án thu hồi dư nợ của khách hàng.

Với lợi thế là một công ty tài chính số, Mcredit đã tích hợp hệ thống của mình với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để hỗ trợ xác minh thông tin của khách hàng. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gian lận danh tính khách hàng.

Bên cạnh đó, Mcredit áp dụng Quy trình xác thực điện tử (e-KYC) để kiểm tra thông tin khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Khách hàng chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân và chụp ảnh khuôn mặt, hệ thống sẽ tự động so sánh và xác nhận danh tính. Công nghệ này không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn nâng cao tính chính xác và bảo mật thông tin của khách hàng.

Tại Mcredit, việc thu thập thông tin khách hàng được thực hiện theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của Công ty dựa trên hồ sơ vay vốn và các thông tin khác mà khách hàng cung cấp và/hoặc cho phép kiểm tra.

Đối với các khách hàng đủ yêu cầu vay vốn, khi khởi tạo hồ sơ vay vốn, hệ thống sẽ áp dụng quy trình thẩm định phê duyệt, đồng thời kết hợp sử dụng các công cụ công nghệ hỗ trợ để kiểm tra tính xác thực của thông tin mà khách hàng cung cấp.

Khi khách hàng thực hiện xác thực điện tử bằng công nghệ eKYC, khách hàng sẽ nhận được mã OTP qua số điện thoại di động đã đăng ký để xác nhận, cũng như tiếp nhận thông báo cho khách hàng về trạng thái đề nghị vay vốn.

Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp giúp các tổ chức tín dụng, trong đó có Mcredit, đánh giá rủi ro chính xác hơn và tăng cơ hội duyệt vay cho khách hàng để họ tiếp cận được nguồn tín dụng một cách thuận lợi, nhanh chóng và đơn giản hóa quá trình vay vốn.

Thúc đẩy quy mô tín dụng tiêu dùng

CEO Mcredit lạc quan về triển vọng của ngành tài chính tiêu dùng khi giải pháp chấm điểm tín dụng sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh trong thời gian tới. Ông Ninh cho rằng, việc áp dụng mô hình chấm điểm khả tín vào quy trình cho vay sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quy mô tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới vì những lý do sau:

Thứ nhất, phạm vi dữ liệu rộng lớn, không chỉ gói gọn ở thông tin của CIC, nên cho phép các cá nhân có lịch sử tín dụng hạn chế được tiếp cận các khoản vay chính thống. Từ đó, tệp khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng được mở rộng.

Thứ hai, sản phẩm được cá nhân hóa. Dựa vào kết quả chấm điểm khả tín, các tổ chức tín dụng có thể điều chỉnh sản phẩm tín dụng của mình phù hợp với các phân khúc rủi ro khác nhau, đưa ra các điều khoản cho vay được cá nhân hóa để có thể thu hút lượng khách hàng rộng hơn, trong khi vẫn đảm bảo việc cấp tín dụng là đúng và phù hợp với khả năng trả nợ và nhu cầu của khách hàng.

Thứ ba, hiệu quả cấp tín dụng được cải thiện. Mô hình chấm điểm khả tín có thể được tích hợp vào quy trình thẩm định và phê duyệt khoản vay tự động, giúp việc ra quyết định tín dụng chính xác hơn.

Thứ tư, mô hình chấm điểm khả tín có thể nhận diện được các hành vi gian lận bằng cách so khớp giữa thông tin khách hàng cung cấp và thông tin trong kho dữ liệu dân cư của Bộ Công an, giúp cấp tín dụng tiêu dùng cho đúng người có nhu cầu và các tổ chức tín dụng giảm được chi phí rủi ro, từ đó có thể đưa ra được mức lãi suất sản phẩm tốt hơn, giúp mở rộng quy mô tín dụng tiêu dùng một cách bền vững.

Ngoài ra, ông Ninh nhấn mạnh, thị trường rất cần các trung tâm kết nối và chia sẻ dữ liệu. Theo đó, cần xây dựng một nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu tín dụng giữa các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng, kết hợp với các công ty lớn trong nước cung cấp dữ liệu phi tài chính được xác thực, giúp tạo ra một cơ sở dữ liệu phong phú và toàn diện hơn.

Thị trường bất động sản: Dư nợ tín dụng tăng, doanh nghiệp giải thể cũng tăng
Bình quân giai đoạn 2015-2023, quy mô giá trị tăng thêm ngành kinh doanh bất động sản đạt 103.954,02 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng bình quân là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư