Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Chấm dứt sự chồng chéo trong đấu thầu
Khánh An - 04/06/2013 06:55
 
Nếu được Quốc hội thông qua đề xuất huỷ bỏ điều 2 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và Chương VI Luật Xây dựng trong Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), thì lần đầu tiên, các quy định liên quan đến đấu thầu sẽ thống nhất về một mối.
TIN LIÊN QUAN

Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng đang được đề xuất chuyển vào
nội dung Dự thảo Luật Đấu thầu

Trước hết, phải khẳng định ngay, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đồng tình với đề xuất này.

“Việc quy định rõ nội dung thay thế, huỷ bỏ các điều, khoản cụ thể của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tránh trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật về đấu thầu là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch, tập trung và thống nhất các quy định của pháp luật về đấu thầu”, Báo cáo nêu rõ.

Có nghĩa là, toàn bộ nội dung Chương VI về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng trong Luật Xây dựng sẽ chuyển vào nội dung Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), huỷ bỏ Chương VI này để xử lý dứt điểm mối quan hệ đang khá phức tạp giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng trong nội dung này.

Cũng phải nhắc lại rằng, cho tới thời điểm này, các hoạt động liên quan đến lựa chọn nhà thầu xây dựng đang phải tuân thủ đồng thời các quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Sự đồng thời này đã buộc Chính phủ phải có một phương án khá đặt biệt, đó là ban hành Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

Tuy nhiên, giải pháp tình huống này không đủ để giải toả được những chồng chéo, thiếu thống nhất không đáng có trong quy định của pháp luật liên quan đến nội dung này. Nhất là khi khá nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến hai luật này không thống nhất, làm thời gian đấu thầu kéo dài. Hệ luỵ của sự chồng chéo này phần lớn do các nhà thầu, doanh nghiệp gánh chịu, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thực thi công vụ.

Ngay trong Báo cáo Rà soát pháp luật kinh doanh được tiến hành với 16 luật, 200 văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp vào cuối năm 2011, với sự tham gia ý kiến của khoảng 2.000 doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị rà soát phần phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng.

“Các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai…, thì không để lại trong Luật Xây dựng, nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, loại bỏ tình trạng trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Tương tự, VCCI khi rà soát Luật Đấu thầu cũng đã phát hiện một trong những nguyên nhân cản trở hiệu quả của Luật Đấu thầu trong 6 năm qua chính là quy định về đầu thầu được nêu ở nhiều luật khác nhau, thiếu sự thống nhất và không đồng bộ của các luật liên quan đến đâu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, vì thời điểm Luật Xây dựng được nghiên cứu, xây dựng trước năm 2003, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước, trong đó có đấu thầu xây lắp, được thực hiện theo các nghị định của Chính phủ, chưa có luật quy định về đấu thầu. “Chính vì vậy, năm 2003, Luật Xây dựng đã được ban hành với một chương quy định về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng. Trong Luật Xây dựng cũng có cả quy định về hoạt động đầu tư và quy hoạch xây dựng”, ông Tăng cho biết.

Tuy nhiên, năm 2009, Luật Quy hoạch đô thị đã thay thế các quy định của Luật Xây dựng về quy hoạch xây dựng các đô thị. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh Luật Đấu thầu được ban hành năm 2005, cho dù bao gồm các hoạt động lựa chọn nhà thầu, trong đó có cả nhà thầu tư vấn, hàng hoá, xây lắp, EPC, nhưng lại không hoàn thành trách nhiệm phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khi không đưa về một đầu mối thống nhất các quy định liên quan đến đấu thầu.

Ở đây, cần nói rõ thêm là, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII, bên cạnh Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ đang chuẩn bị Dự án Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). “Đây sẽ là dịp để xác định lại, phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan cho phù hợp với tính chất, nội dung của từng luật”, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa được hoàn tất vào ngày 29/5 đã chỉ rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư