Thưa bà, so với các năm thì kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2015 có những cải cách nào, tạo thuận lợi cho người nộp thuế?
Theo quy định, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo. Ngoài ra, Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.
Cũng từ kỳ quyết toán 2015 chính thức cho phép các trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ – con, Trụ sở chính và chi nhánh thì được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập mới nơi cá nhân được điều chuyển đến và được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, với việc mở rộng các hình thức ủy quyền quyết toán thuế để hạn chế tối đa tình trạng quá tải khi cá nhân phải trực tiếp nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan Thuế. Theo tính toán của Tổng cục Thuế sẽ giảm được 99% số lượng cá nhân phải trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, đã cắt giảm các đối tượng phải quyết toán thuế. Theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập; Cá nhân có thu nhập từ kinh doanh như hộ kinh doanh, cá nhân làm đại lý bảo hiểm, xổ số, bán hàng đa cấp không thuộc phải thực hiện quyết toán thuế TNCN…
Tuy nhiên, thực tế người nộp thuế vẫn gặp không ít vướng mắc khi thực hiện quyết toán thuế?
Để hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn quyết toán thuế TNCN và đăng công khai trên Cổng thông tin của Tổng cục và cơ quan Thuế. Đồng thời, trong tháng 3 này đồng loạt Cục thuế 63 tỉnh, thành phố triển khai tuần lễ hỗ trợ quyết toán thuế, tháng hỗ trợ quyết toán thuế, với nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế tại trụ sở cơ quan Thuế.
Vấn đề là người nộp thuế cần xác định đối tượng phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế, xác định thu nhập chịu thuế, xác định các khoản giảm trừ gia cảnh, thủ tục hồ sơ quyết toán, nơi nộp hồ sơ quyết toán, và thủ tục cấp mã số thuế cho người phụ thuộc.
Trong đó, người nộp thuế cần lưu ý đối với các quy định về thủ tục hồ sơ quyết toán, nơi nộp hồ sơ quyết toán và thời hạn quyết toán để tránh bị xử lý vi phạm về chậm nộp hồ sơ quyết toán hoặc tránh bị trả lại hồ sơ khi nộp nhầm nơi quyết toán thuế dẫn đến việc người nộp thuế phải đi lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, ngành Thuế khuyến cáo người nộp thuế thuộc diện phải quyết toán thuế nên chủ động hoàn thành trước 31-3-2016. Tránh trường hợp để quá hạn bị phạt theo quy định của pháp luật.
Theo bà, mức phạt đối với trường hợp chậm nộp quyết toán thuế hiện nay đã đủ sức răn đe chưa?
Tôi cho rằng, với quy định hiện hành, các trường hợp tổ chức, cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế đều có hình thức xử phạt hành chính đã đảm bảo công bằng, minh bạch. Cụ thể, với trường hợp nộp chậm nhưng không phát sinh số thuế từ 1 đến 5 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ chỉ bị phạt cảnh cáo; Chậm từ 1 đến 10 ngày phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng; Trên 10 ngày đến 20 ngày phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; Trên 20 ngày đến 30 ngày mức phạt tối đa 3 triệu đồng và từ trên 40 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng.
Ngoài ra, với trường hợp nộp chậm nhưng có phát sinh số thuế sẽ bị tăng nặng mức phạt. Chẳng hạn như: Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận khi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng phát sinh số thuế phải nộp nếu vi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ; Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn khi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng phát sinh số thuế phải nộp nếu vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ; Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn khi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng phát sinh số thuế phải nộp nếu vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
Xin cảm ơn bà!