Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Nể nang trong giải quyết án hành chính là có thật
Nguyễn Lê - 20/03/2023 09:28
 
Theo Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, việc nể nang trong giải quyết án hành chính là có thật, nhưng không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa án cao.
.
Chánh án Toà an nhân nhân Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao có nguyên nhân từ nể nang, nhưng đó không phải nguyên nhân chính, Chánh án Tòa án nhân nhân Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Sáng 20/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Bà Hoa đề nghị Chánh án giải thích lý do. Có phải một bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính?

Nội dung tiếp theo đại biểu chất vấn là thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?

Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, đang có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. 

Quốc hội cho phép án hủy, sửa tỷ lệ 1,5% nhưng tỷ lệ này thực tế lên tới 4%. Và việc án hành chính không được thi hành nghiêm túc gây bức xúc cho người dân, Chánh án nhìn nhận.

“Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Việc nể nang là có thật nhưng không phải nhiều”, Chánh án hồi âm đại biểu.

Cho rằng đa số thẩm phán phát huy tính bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc, ông Bình nói việc nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa án cao. Mà nguyên nhân là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ, trong khi việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân bởi sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế.

“Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân”, Chánh án nói.

Ông nêu rõ, án hành chính bị chậm do việc tham gia phiên tòa của các chủ tịch tỉnh hạn chế, và đây là nguyên nhân chính.

Về giải pháp, ông Bình cho rằng, với việc cả nể, dù ít vẫn cần được đặt ra. "Nhiệm kỳ trước chúng ta đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách, đối với vụ án mà huyện xử lý thì giao tỉnh xử; vụ án của tỉnh thì tỉnh vẫn xử. Lần sửa đổi này chúng tôi sửa đổi có tòa chuyên trách, vụ án của tỉnh sẽ do tòa chuyên trách xử”, ông Bình cho biết.

Liên quan đến đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề cập “tất cả tranh chấp về đất đai giao tòa án xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích, theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên UBND hoặc kiện ra tòa. Do đó, nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý.

“Nếu giải quyết tại UBND thì có lợi là UBND cấp dưới sai thì UBND cấp trên có thể sửa chữa ngay mà không cần đưa ra tòa, cái này rất tiện cho người dân. Trong xu thế hiện nay, không nên đưa hết việc này cho tòa án, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này”, ông Bình nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, thời gian qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhiều lần gửi văn bản cho lãnh đạo Quốc hội đề nghị ban hành luật tư pháp cho người chưa thành niên. Tòa án nhân dân Tối cao đã trình hồ sơ đưa dự án luật này vào chương trình. Bà Thủy chất vấn: "Vậy việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết các vụ án liên quan người chưa thành niên hay không?".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự án luật này đang được Toà án nhân dân Tối cao trình cấp có thẩm quyền. Hiện có 10 luật khác nhau quy định về tư pháp người chưa thành niên, nhưng xu hướng thế giới có đạo luật chuyên biệt cho đối tượng này vì có đặc thù riêng, không thể lấy tư pháp người lớn áp dụng cho trẻ em, ông Bình thông tin.

Theo Chánh án, việc xây dựng đạo luật riêng là rất cần thiết, thể hiện cam kết của Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em. Ở Đông Nam Á đã có 9 nước có đạo luật Tư pháp cho người chưa thành niên và tư pháp thế giới có nhiều giải pháp nhân đạo cho đối tượng dễ tổn thương này.

Thời gian chất vấn Chánh án sẽ kéo dài đến 11h30 sáng nay (20/3). 

Một doanh nghiệp kiện Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng ra tòa
Công ty Pró kiện Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương với lý do đã ra các quyết định xử phạt sai chủ thể, trật luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư