Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chất lượng nguồn nhân lực: Khối kỹ thuật chiếm ưu thế
Như Thuần - 08/03/2015 09:25
 
Thực tế tuyển dụng cho thấy, kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng mềm của sinh viên khối kỹ thuật ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Đơn cử như việc tuyển dụng cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án với vốn đầu tư 9 tỷ USD, nhiều ứng viên khối kỹ thuật đáp ứng khá tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Bức tranh màu xám

“Tới năm 2025, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC, sẽ được thành lập cuối năm 2015) sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm mới cho Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng việc làm dự kiến đạt khoảng 10,5%/năm”.

Đây là kết quả dự báo vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dựa trên kết quả hợp tác nghiên cứu mới nhất giữa hai bên.

Lao động khối kỹ thuật được các nhà tuyển dụng đánh giá cao

Tuy nhiên, ông Yoshiteru Uramoto, Phó Tổng giám đốc và Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ILO cảnh báo, cơ hội việc làm không dành cho lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.

Cảnh báo của ông Yoshiteru Uramoto rất đáng chú ý khi thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, chưa đầy 50% số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam có chuyên môn kỹ thuật. Trong số đó, có tới 15,6 triệu người là công nhân, nhưng không có chứng chỉ hoặc bằng cấp.

Số công nhân có chứng chỉ hoặc bằng cấp chỉ chiếm 18,4%. Chưa kể đến chất lượng đào tạo của những người đã có chứng chỉ, bằng cấp nhưng không biết có đáp được được nhu cầu sử dụng hay không.

Số liệu này cũng củng cố thêm những quan ngại về chất lượng lao động của Việt Nam khi khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á, nhân lực Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng thái độ làm việc, thiếu hụt lớn các kỹ năng tư duy, sáng tạo, công nghệ thông tin, giải quyết vấn đề.

Điểm sáng từ khối lao động kỹ thuật

Từ góc độ thực tế tuyển dụng, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hoàn toàn đồng tình với những kết quả khảo sát nói trên.

Theo bà Liễu, không chỉ khối lao động phổ thông mà ngay cả khối lao động có chuyên môn, thậm chí lao động trình độ cao cũng còn yếu về tiếng Anh, các kỹ năng mềm và khả năng làm việc nhóm, do chất lượng đào tạo của Việt Nam thiếu thực tế.

“Nhiều khách hàng của chúng tôi, đa phần là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường không thể tuyển đủ chỉ tiêu do năng lực ứng viên không đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, 2/3 số được tuyển dụng, kể cả các vị trí quản lý, doanh nghiệp cũng phải mất thời gian đào tạo lại, đặc biệt là về tiếng Anh và các kỹ năng mềm”, bà Liễu cho biết.

Vấn đề vốn tồn tại lâu dài này dường như đã được một số trường Đại học chuyên ngành kỹ thuật và bản thân sinh viên kỹ thuật hiểu và tích cực thay đổi trong thời gian vài năm trở lại đây.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng Việt Nam của Manpower (thuộc ManpowerGroup, Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới) cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, qua tuyển dụng kỹ sư cho nhiều doanh nghiệp lớn cho thấy, kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng mềm của sinh viên khối kỹ thuật của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Đơn cử như việc tuyển dụng cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án với vốn đầu tư 9 tỷ USD từ các công ty Dầu khí Kuwait, Idemitsu Kosan Nhật Bản, Hóa chất Mitsui Nhật Bản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong nửa cuối năm 2014, Manpower Việt Nam đã tuyển dụng cho Nghi Sơn gần 200 vị trí kỹ sư vận hành, và nhiều vị trí khác từ hơn 3.000 ứng viên. Trong năm 2015 và 2016, Manpower Việt Nam sẽ tiếp tục tuyển thêm hơn 300 vị trí kỹ sư để chuẩn bị cho nhà máy đi vào hoạt động năm 2017.

“Với quy trình tuyển dụng cực kỳ chặt chẽ từ khâu xét duyệt hồ sơ, thi tuyển đến phỏng vấn, khách hàng của chúng tôi tỏ ra hài lòng về chất lượng ứng viên khối kỹ thuật, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ”, bà Trang nói. Theo qui trình, Manpower Việt Nam đã bố trí phiên dịch trong vòng phỏng vấn, tuy nhiên hầu hết các ứng viên đều có thể giao tiếp tự tin với các chuyên gia phỏng vấn là người nước ngoài.

Theo bà Trang, ứng viên là sinh viên kỹ thuật đến từ một số trường Đại học, cao đẳng lớn giờ đây có lợi thế trong ứng tuyển do họ được đào tạo tiếng Anh bài bản từ trong trường, và nhiều trường yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như Toeic 450 trước khi cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên.  

Điều đó cho thấy, nếu có sự bài bản, chuyên nghiệp trong hệ thống đào tạo, chất lượng lao động của Việt Nam sẽ nhanh chóng được cải thiện. Và câu chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam không chỉ dành cho các cơ quan quản lý mà còn phụ thuộc vào sự năng động của chính các trường đại học, các cơ sở giáo dục, dạy nghề.

Thành lập bộ phận hỗ trợ người tìm việc tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Ngày 20/4, Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn tổ chức Lễ ra mắt Bộ phận hỗ trợ người tìm kiếm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư