Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chật vật mưu sinh giữa đại dịch
Dương Ngân - 07/06/2021 08:43
 
Bốn lần Covid-19 ập tới là bốn lần những phận đời vốn dĩ đã bấp bênh để mưu sinh nơi đô thành nhộn nhịp lại thêm nhọc nhằn chống chọi như “ngọn đèn trước gió”.
.

Ế ấm

Ai đang sinh sống ở Hà Nội đều quen thuộc với tiếng rao của các xe hàng rong khi đêm về. Nhưng Covid-19 ập đến, tiếng rao đêm quen thuộc ấy ngày càng thưa vắng.

Vỉa hè Hà Nội - nơi mưu sinh của nhiều người làm nghề tự do chưa khi nào trở nên trầm lắng như hiện tại. Không còn cảnh xô bồ bởi những quán cóc, cà phê sôi động, bia cỏ ồn ào. Anh Hiệp, một người đánh giày hàng ngày di chuyển khắp các tuyến phố khu vực chợ Hà Đông đang trải qua những ngày như ngồi trên đống lửa. Dù có vác bộ đồ nghề đi mòn gót chân, nhễ nhại mồ hôi trong thời tiết nắng nóng, anh cũng khó kiếm được khách.

Trong cơn cuồng phong Covid-19, sẽ còn rất nhiều khó khăn mà những người lao động tự do phải đối diện. “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, họ đã bằng mọi cách xoay xở để tồn tại, chờ ngày “bão tan”.

Theo lời anh Hiệp, lúc không có dịch, hàng ngày anh đều đến các quán ăn, bia hơi, cà phê, trà đá vỉa hè cũng đánh được vài chục đôi giày, thu nhập lên tới vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, từ lúc có dịch, nhiều hoạt động kinh doanh bị tạm ngừng, người dân ra đường cũng ít hơn, cộng thêm nắng nóng thì những người đánh giày như anh gần như thất nghiệp.

Hai tuần nay, chị Lan, chủ xe hàng hoa quả rong luôn trở về nhà mà hàng chưa vơi một nửa. Trong tiết trời oi bức, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 40-41 độ C, chị phải đạp xe, luồn lách qua các ngõ nhỏ, phố nhỏ nơi thị thành để rao bán mà chả mấy người mua.

“Tình hình này mà kéo dài thì những ngày tháng tới tôi không biết phải sống ra sao”, chị lo lắng.

Là một hành khách quen thuộc của tuyến bus BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, điểm lên và xuống quen thuộc của tôi là cầu vượt La Khê, Hà Đông. Cảm giác quen thuộc mỗi khi đến nơi này là bác xe ôm trung niên có nụ cười hiền hậu tên Mạnh luôn đứng ở đó bất kể nắng mưa.

Đây là nơi mưu sinh của bác từ năm 2016, khi tuyến bus này đi vào hoạt động. 5 năm gắn bó và cũng là 5 năm gia đình bác phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ các chuyến xe. Dù không cao, nhưng bác tạm yên tâm bởi còn sức là bác không lo đói.

Tuy vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch ập tới khiến lượng hành khách đi BRT sụt giảm, lại cộng thêm nắng nóng, nhiều người hạn chế không ra đường, thu nhập của bác cũng giảm theo. “Có ngày tôi chạy được 1-2 chuyến mà chỉ là khách đi gần với giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng. Ngày nào may mắn lắm được khoảng dăm khách, thu nhập cũng chỉ khoảng 100.000 đồng. Còn có những ngày dù trầy trật đợi khách trong cái nắng oi bức, tôi cũng đành thất vọng đi về”, bác Mạnh buồn rầu.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp đến các đối tượng lao động tự do, mà còn tác động đến một bộ phận nhân lực đang công tác tại các cơ sở giáo dục tư nhân.

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường mầm non Bông Sen Hồng khu vực Dương Nội (Hà Đông) kể, do nhu cầu của các bậc phụ huynh nên trường mầm non tư nhân sẽ không có thời gian nghỉ hè, vậy mà từ năm 2020, giáo viên của trường phải bất đắc dĩ nghỉ không lương tới vài tháng, đồng nghĩa với không có thu nhập.

Từ cuối tháng 4 tới nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, cô Hà cùng nhiều giáo viên khác phải nghỉ không lương. Dịch bệnh thì ngày càng phức tạp, mà số tiền dành dụm được đang dần cạn đi. “Không có thu nhập, nhưng tiền ăn uống hàng ngày vẫn phải chi. Chưa kể tiền điện, nước do ở nhà thường xuyên nên cũng phải trả nhiều hơn”, cô Hà nói.

Xoay xở tự cứu mình

Ngán ngẩm vì chuỗi ngày dài nhàn rỗi ngồi chờ khách, bác Mạnh tự mò mẫm tìm hiểu về công nghệ để lên mạng, vào các hội nhóm, tìm các mối bán hàng cần shipper. Lúc đầu bác chưa quen nên không có người gọi, nhưng sau một tuần, bác đã có những khách hàng đầu tiên và bây giờ, mỗi ngày bác cũng ship được 2-3 đơn hàng. Sau khi trừ đi chi phí, bác cũng bỏ túi được khoảng 70.000 - 80.000 đồng.

Còn theo lời chị Lan, hoa quả hàng rong khó bán do người dân ngại ra đường trong thời tiết nắng nóng và dịch bệnh, nên chị đã xoay xở bằng cách vừa đạp xe bán rong, vừa tranh thủ bán hàng online tại các hội nhóm, chợ cư dân của các chung cư. Là một người rất tiết kiệm, nhưng chị Lan đã nghiến răng bỏ gần 5 triệu đồng mua chiếc điện thoại thông minh để lên mạng.

Những lúc giải lao, chị tranh thủ vào các hội nhóm học xem họ viết gì, viết thế nào, họ quảng cáo sản phẩm ra sao để làm theo. Dần dần, chị cũng có chút kinh nghiệm, bài đăng của chị nhận được nhiều tương tác hơn, khách hàng nhiều hơn.

Anh Hiệp cũng chuyển từ đánh giày sang giao hàng. Mỗi ngày anh có thể kiếm được từ 100.000 đến 150.000 đồng từ việc giao hàng.

Cũng trong cảnh vật lộn mưu sinh, trong thời gian nghỉ dạy ở trường, cô giáo Hà chuyển hướng sang bán quần áo online. “Dù đây chẳng phải là thế mạnh, nhưng kiếm một công việc phù hợp trong lúc này khó quá, tôi đành phải thử sức với một công việc ở lĩnh vực mới”, nữ giáo viên chia sẻ.

Ngoài bán quần áo, cô Hà cũng mầy mò nấu thêm một số món ăn để bán online ở chợ cư dân nơi cô đang thuê trọ. Do vùng biển quê cô có khá nhiều loại hải sản tươi ngon, nên cô đã nhờ người nhà chuyển nguyên liệu từ quê lên rồi chế biến thành các loại chả cá, chả mực, nem hải sản để bán.

Trong cơn cuồng phong của Covid-19, sẽ còn rất nhiều khó khăn mà những người lao động tự do như bác Mạnh, anh Hiệp, chị Lan, hay cô giáo Hà phải đối diện. “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, họ đã bằng mọi cách xoay xở để tồn tại, chờ ngày “bão tan”.

Làn sóng Covid-19 thứ 4: Doanh nghiệp khó khăn chồng chất
Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay. Làn sóng Covid-19 thứ 4 đang tiếp tục đẩy doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư