Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do giảm nguồn cung khí đốt từ Nga
T.T - 09/07/2022 11:22
 
Giá năng lượng đã tăng trong nửa cuối năm 2021 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm điều này.
Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng của Nga. Ảnh: DPA
Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng của Nga. Ảnh: DPA

Báo Theguardian.com (Anh) mới đây dẫn cảnh báo của các ngân hàng và nhà kinh tế cho biết, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do giá dầu và khí đốt tăng trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể tắt nguồn cung hoàn toàn.

Nền kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm nhu cầu giảm ở Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu lục này - tiếp tục ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và liên quan đến giá lương thực và năng lượng leo thang, theo Nomura, một ngân hàng đầu tư Nhật Bản có hoạt động tại London.

Nomura dự kiến ​​nền kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu suy thoái trong suốt nửa cuối năm 2022 và tình trạng này sẽ tiếp tục cho đến mùa Hè năm 2023, với tổng mức suy giảm là 1,7% GDP.

Giá năng lượng đã tăng trong nửa cuối năm 2021 khi các nền kinh tế hàng đầu dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây thêm khó khăn khi EU, Mỹ và Anh tìm cách cô lập Moskva về mặt kinh tế. Châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc cung cấp năng lượng và Moskva đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách làm chậm nguồn cung cấp khí đốt.

Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức và đường ống TurkStream tới Bulgaria, đồng thời cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan qua đường ống Yamal.

"Châu Âu đang phải vật lộn với các điều kiện mang tính chất toàn cầu (giá năng lượng và lạm phát leo thang, rủi ro địa chính trị và sự không chắc chắn gia tăng), khiến chúng ta tin rằng các nền kinh tế châu Âu sẽ chịu chung số phận suy thoái như Mỹ”, George Buckley, nhà kinh tế học của Nomura nêu rõ.

Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt tỷ lệ hàng năm 8,6% vào tháng 6, mức cao nhất kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1999.

Các nhà phân tích tại JP Morgan Chase, ngân hàng đầu tư của Mỹ, lưu ý rằng Nga cũng có thể gây ra sự tăng giá dầu "cao ngất ngưởng" nếu nước này sử dụng việc cắt giảm sản lượng để trả đũa nỗ lực giới hạn giá của nhóm các nền kinh tế lớn G7. Các nhà phân tích trong đó có Natasha Kaneva viết rằng giá có thể tăng hơn gấp ba lần, lên 380 USD/thùng nếu Nga cắt giảm sản lượng 5 triệu thùng/ngày. Một thùng dầu Brent giao tháng 9 giá 111 USD/thùng vào cuối tuần trước trên các thị trường kỳ hạn (hàng giao sau).

Các nhà phân tích của JP Morgan viết: “Nhiều khả năng Chính phủ (Nga) có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng như một biện pháp gây đau đớn cho phương Tây. Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu nằm trong tay Nga”.

Trong khi đó, Kay Neufeld và Jonas Keck, các nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, cho biết việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã tạo ra “một cuộc khủng hoảng thực sự trên toàn châu Âu” và cho biết có ít nhất 40% khả năng xảy ra suy thoái châu Âu.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt dễ bị tổn thương do Nga kiểm soát đường ống Nord Stream 1. Đường ống dự kiến ​​sẽ đóng trong khoảng thời gian 10 ngày bắt đầu từ ngày 11/7 để bảo trì hàng năm theo kế hoạch. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với truyền thông Đức gần đây rằng Berlin lo ngại Nga sẽ từ chối mở lại đường ống, một động thái có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong mùa Đông này.

Các chuyên gia Neufeld và Keck nhận định: “Rõ ràng là trong trường hợp thiếu khí đốt ở châu Âu, một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ là điều gần như chắc chắn. Điều này là do các nước châu Âu liên kết với nhau không chỉ thông qua các hệ thống kết nối năng lượng mà còn thông qua các chuỗi cung ứng có tính tích hợp cao. Nguồn cung cấp khí đốt bị thắt chặt sẽ dẫn đến việc tăng giá năng lượng cho người tiêu dùng, làm tăng thêm áp lực lạm phát, gây nguy cơ suy thoái”.

Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga đang chạy đua để tìm nguồn cung cấp thay thế. Chính phủ Đức đang hy vọng rằng hai trạm lưu trữ khí đốt hóa lỏng nổi có thể tiếp nhận khí đốt tự nhiên lỏng sẽ đi vào hoạt động trong mùa đông này.

Trong khi Anh không nhập khẩu trực tiếp khí đốt từ Nga, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu vẫn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt do tăng giá khí đốt trên các thị trường mở. Điều đó sẽ buộc Anh phải trả nhiều hơn, một chi phí có thể được phản ánh trong các hóa đơn của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nomura đã dự báo mức giảm GDP của Anh là 1,5% trong một cuộc suy thoái dự kiến.

Châu Âu lo Nga "đóng sập" nguồn cung khí đốt
Châu Âu ngày càng lo ngại về nguy cơ Nga dừng hoàn bộ việc cung cấp khí đốt, trong bối cảnh đó Italia đã đề xuất triệu tập một cuộc họp cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư