Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Chạy đua tung gói bảo hiểm cho hãng xe công nghệ
 
Nhằm thu hút thêm tài xế, các hãng xe công nghệ đã và đang triển khai mua bảo hiểm cho tài xế và khách hàng. Đây chính là cơ hội lớn cho các công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm này.

Ðầu tháng 7/2019, ứng dụng gọi xe Be đã phối hợp cùng nhà cung cấp bảo hiểm PTI (Công ty Bảo hiểm Bưu điện thời đại số) chính thức triển khai chương trình “Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe” (gọi tắt là beHealthCare) dành cho tài xế beBike, beCar trên toàn quốc. Toàn bộ chi phí gói bảo hiểm sẽ được Be tài trợ 100%.

Chương trình sẽ được thực hiện thử nghiệm đợt 1 dành cho tài xế đã hoạt động từ trước ngày 1/7/2019. Sản phẩm này bao gồm khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, tai nạn 24/7, chăm sóc răng miệng, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.

Với hệ thống bệnh viện liên kết bảo lãnh viện phí trên cả nước, các lái xe của Be Group sẽ được PTI hỗ trợ tuyệt đối về các thủ tục hành chính và thủ tục bồi thường.

Becare là một chương trình phúc lợi đặc biệt dành cho nhân viên nên Be Group đã đưa ra rất nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác bảo hiểm của mình. Bên cạnh gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, PTI hiện đang là đơn vị cung cấp gói bảo hiểm tai nạn toàn diện dành cho hành khách và lái xe của Be Group với số tiền bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng.

PTI cam kết bồi thường cho các trường hợp tử vong hoặc thương tật thân thể đối với người được bảo hiểm do tai nạn giao thông, liên quan trực tiếp đến việc sử dụng xe khi ngồi trên xe, lên xuống xe khi đang tham gia giao thông trong lãnh thổ Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một hãng xe khác là Grab cũng đặt mua gói bảo hiểm tai nạn cho tài xế và khách hàng với số tiền bảo hiểm hơn 100 triệu đồng thông qua hãng bảo hiểm nước ngoài.

Bên cạnh quyền lợi về thương tật thì Grab cũng sẽ chi trả bảo hiểm cho các chi phí điều trị y tế là 5,6 triệu đồng/người. Theo đại diện hãng xe công nghệ này, Grab luôn có biện pháp hỗ trợ các tài xế với gói bảo hiểm trong app.

Gói bảo hiểm tự nguyện, Grab mua cho tài xế và hành khách với mức bảo hiểm cao, lên tới hàng trăm triệu đồng/vụ với những chuyến xe được thực hiện thông qua ứng dụng.

Ðược biết, hiện nay, trên thị trường, gần như 100% các hãng xe đều đã mua bảo hiểm tai nạn theo chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Theo đó, nếu xảy ra bất kỳ tai nạn nào xảy ra trong quá trình di chuyển thông qua ứng dụng thì khách hàng và tài xế đều sẽ được công ty bảo hiểm chi trả bồi thường.

Ðiểm khác biệt của gói bảo hiểm này so với gói bảo hiểm tai nạn thông thường là ứng dụng chỉ thanh toán phí bảo hiểm theo từng chuyến đi, thay vì mua trọn gói cả năm. Như vậy, nếu tài xế bắt xe không thông qua ứng dụng thì sẽ không được chi trả bồi thường.

“Nhu cầu mua bảo hiểm của các ứng dụng gọi xe ngày càng tăng cao. Một phần do đặc tính công việc thường xuyên di chuyển nên nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn, một phần là các ứng dụng coi đây là một trong những chính sách phúc lợi để tuyển dụng thêm tài xế.

Tuy nhiên, với những đặc thù như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm thường phải làm việc chặt chẽ với các hãng gọi xe để xây dựng và đóng gói lại sản phẩm để phù hợp với tiêu chí, yêu cầu của từng hãng xe”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Các doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn sẽ cạnh tranh gay gắt với nhau để chiếm lĩnh được nhóm khách hàng này do việc ứng dụng công nghệ của hãng xe sẽ giúp việc kiểm soát bồi thường sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, do đây là các hãng công nghệ nên các doanh nghiệp bảo hiểm muốn bán được bảo hiểm thì cũng phải đầu tư về công nghệ để kết nối chạy báo cáo đối soát với hãng.

“Ðầu tư vào công nghệ cũng là một chiến lược quan trọng của các hãng bảo hiểm hiện nay”, một chuyên gia nhận định.

Doanh nghiệp bảo hiểm tăng tốc trong cuộc đua công nghệ số
Các công ty bảo hiểm thường không tiết lộ số tiền đầu tư cho chiến lược số hóa, nhưng chắc chắn, để có một hệ sinh thái khép kín phục vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư